Tảo Trong Ao Nuôi: Hiểu Biết Đầy Đủ Về Lợi Ích và Cách Quản Lý Tối Ưu
Tảo có vai trò quan trọng trong các mô hình nuôi cá, tôm nước ngọt, nước lợ, đặc biệt là các mô hình nuôi thâm canh, thâm canh công nghệ cao. Tảo là mắt xích đầu tiên trong chuỗi thức ăn tự nhiên trong thuỷ vực, cần cho cá bột, ấu trùng giáp xác.
Tảo có vai trò quan trọng trong các mô hình nuôi cá, tôm nước ngọt, nước lợ,... Ảnh: The Oceanography Society
Tảo quang hợp, cung cấp nguồn oxy dồi dào cho tôm, cá trong ao. Tảo che chắn ánh sáng, ngăn ánh sáng thâm nhập sâu xuống tầng nước ao, đáy ao, hạn chế rong đáy phát triển, hạn chế phân huỷ hữu cơ, nguyên nhân sinh khí độc.
Ngoài ra, tảo đóng vai trò như một hệ thống lọc tự nhiên, liên quan mật thiết sự ổn định pH, độ kiềm, khí độc, chất lượng nước ao nuôi... Trong nuôi tôm, cá nước ngọt, tảo lục Chlorella sp có vai trò quan trọng, là tảo có lợi, giúp thông số môi trường ao nuôi ổn định.
Đối với mô hình nuôi tôm, như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tảo khuê Chaetoceros sp., hay Skeletonema sp, là những tảo hữu ích, quan trọng, góp phần ổn định thông số môi trường, giảm thiểu khí độc, hạn chế ô nhiễm…
Nguyên nhân tảo tàn trong ao nuôi
Trong ao nuôi tôm, cá, không có tảo hữu ích hoặc vì lý do nào đó tảo tàn, môi trường ao nuôi sẽ đối diện rất nhiều rủi ro. Thông số môi trường biến động khó kiểm soát, khí độc tăng vượt ngưỡng, tác động, gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, tỷ lệ sống, tăng trưởng tôm, cá, trong ao.
Tảo tàn môi trường ao nuôi sẽ đối diện rất nhiều rủi ro. Ảnh: Dobio.vn
Nhiều nguyên nhân gây tảo tàn trong ao nuôi, bao gồm tảo phát triển quá mức đến giai đoạn phase già, chết, tảo non kém phát triển. Tảo cần nước, ánh sáng, chất dinh dưỡng bao gồm đạm (N), lân (P), carbon (C)... để tăng trưởng và sinh sản.
Hầu hết, các loài tảo sử dụng đạm ở dạng NH4+ và NO3-. Nguồn cung cấp Carbon chủ yếu cho phiêu sinh thực vật quang hợp là khí carbonic (CO2) và bicarbonate HCO3-. Chất dinh dưỡng đạm (N), lân (P) cần cho tảo silic bao gồm giống tảo khuê Chaetoceros sp., hay Skeletonema sp thay đổi về tỷ lệ, nguồn cung cấp dinh dưỡng trong ao tăng đột biến. Tảo silic có thể phát triển tốt trong ao nuôi tôm thẻ chân trắng, khi hàm lượng chất dinh dưỡng ở mức thấp, tỉ lệ N/P lớn hơn 15/1.
Đối với ao nuôi cá nước ngọt, điều kiện cho nhóm tảo lục Chlorella sp phát triển khi hàm lượng chất hữu cơ và hàm lượng chất dinh dưỡng ở mức trung bình, tỉ lệ N/P là từ 7-14/1. Khi chất dinh dưỡng trong ao nuôi tăng cao do người nuôi quản lý thức ăn không tốt, gây dư thừa thức ăn.
Hơn nữa, nguồn nước lấy vào ao nhiều chất hữu cơ, chất lơ lửng, giàu phù sa. Phân tôm, cá, xác vỏ tôm…không được thu gom triệt để, si phon, hút ra khỏi ao nuôi trong ngày. Khi có nhiều nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho ao nuôi, làm thay đổi tỷ lệ hàm lượng các chất dinh dưỡng trên, tảo có lợi trên sẽ phát triển kém, suy tàn hoặc bị lấn át, được thay thế dần bởi các loài tảo độc như tảo lam trong nuôi nước ngọt, tảo mắt, tảo giáp trong nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú.
Mặt khác, mỗi loài tảo thích ứng với cường độ ánh sáng và hàm lượng muối dinh dưỡng khác nhau đã đề cập. Cường độ ánh sáng mạnh và tỉ lệ N:P thấp (nhỏ hơn 6:1) sẽ làm tảo lam phát triển không tốt cho ao nuôi, cường độ ánh sáng trung bình và tỉ lệ N:P cao (lớn hơn 7:1) đã đề cập trên, thì tảo lục Chlorella sp phát triển rất tốt cho ao nuôi.
Biện pháp duy trì mật độ tảo
Mật độ tảo trong ao nuôi cao khi quá trình quang hợp quá mức gây hoa nước, hay tảo độc xuất hiện trong ao nuôi tôm, cá, làm chất lượng nước xấu. Thường gặp hiện tượng pH nước ao tăng cao vào buổi trưa (độ pH từ ≥ 9 – 10,5) và hàm lượng oxy hòa tan vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối thấp. Cần duy trì mật độ tảo, sao cho nước ao có độ trong 30 – 45 cm, thông qua các giải pháp như thay nước thời điểm khoảng 9 –10 giờ sáng, do thời điểm này tảo tập trung nhiều ở tầng nước mặt để quang hợp.
Theo đó, bà con nên xả bớt nước tầng mặt (20 -30%) và sau đó cấp thêm nước mới từ ao đã xử lý (ao sẵn sàng) cho ao nuôi, duy trì mực nước cao trên 1.2m, hạn chế tảo phát triển mạnh trở lại.
Kiểm soát, định lượng kỹ lượng thức ăn cá, tôm, sử dụng trong ngày, căn cứ sức khoẻ cá, tôm, căn cứ tỷ lệ sống, căn cứ trọng lượng cơ thể vật nuôi thuỷ sản…Giảm lượng thức ăn so với bình thường hàng ngày cho cá, tôm, trong giai đoạn điều trị bệnh hay sổ ký sinh trùng, khi sức khoẻ cá, tôm kém, khi thời tiết thay đổi, khi tôm lột xác...
Tránh trường hợp xuất hiện tảo độc nên kiểm soát lượng thức ăn cho tôm hợp lý. Ảnh: Tép Bạc
Sử dụng phối hợp 2 loại vôi, vôi bột CaO đánh vào ban đêm 21 – 22 giờ đêm, liều 40 – 60 kg/1.000 m3 nước, vôi CaCO3 đánh vào ban ngày tầm 9 – 10 giờ trưa, liều 60 – 80 kg/1.000 m3 nước. Sau khi đánh vôi, kết hợp đánh Yucca, Zeolite, vi sinh có thành phần Nitrosomonas, Nitrobacter, Rhodobacter sp, Rhodospirillum, Rhodopseudomonas viridis, Bacillus subtilis.
Nhóm vi sinh làm tăng hàm lượng oxy, ổn định pH, phân hủy mùn bã hữu cơ, khử phèn, diệt tảo độc như Thiobacillus. ferrooxidans, T. thiooxidan, Bacillus subtilis. Các nhóm vi sinh có lợi tham gia sử dụng, phân hủy các hợp chất hữu cơ như: Bacillus sp., Clostridium sp, Lactobacillus sp, L.acidophilus, Streptococcus sp., Sacharomyces sp… Cùng các loại Enzyme, xúc tác quá trình phân hủy của các vi sinh vật như: Protease, Lipase, Amylase, Chitinase, phytase …hạn chế tảo phát triển quá mức, giảm khí độc khi tảo tàn.
Dùng Sulphate đồng (CuSO4) để diệt tảo, khi chúng phát triển quá mức trong ao nuôi. Hóa chất này phân hủy nhanh, nhưng nếu sử dụng liều cao sẽ gây nguy hiểm cho cá. Sulfate đồng thường được sử dụng để diệt tảo khi nước có độ kiềm lớn hơn 100 ppm. Không sử dụng Sulfate đồng khi độ kiềm của nước ≤ 50 ppm. Liều lượng sử dụng Sulfate đồng tùy thuộc vào độ kiềm trong nước, tính bằng công thức: lượng CuSO4 = Độ kiềm/100.
Ví dụ độ kiềm của nước là 120 mg/L thì lượng CuSO4 bà con cần sử dụng là 120/100 = 1,2 mg/L. Nếu độ kiềm của nước lớn hơn 250 mg/L, bà con không nên sử dụng CuSO4 quá 2,5 mg/L sẽ gây độc cho tôm cá. Ngoài ra, có thể dùng oxy già H2O2 để diệt tảo, liều 2 – 3 mg/m3 nước.
Việc gây nuôi tảo có lợi trong ao nuôi tôm, cá, rất quan trọng, như đã đề cập ở phần trên. Với nuôi cá, tôm, nước ngọt, gây nuôi tảo lục Chlorella sp thông qua bón phân hữu cơ như phân heo, gà, cút…đã ủ hoai, lượng dùng từ 25 – 30 kg phân chuồng trên đã ủ hoai/100 m2 ao.
Nuôi cá, tôm, nước ngọt, gây nuôi tảo lục Chlorella sp thông qua bón phân hữu cơ. Ảnh: Bách hóa Xanh
Nếu dùng phân vô cơ như DAP, U rê…liều dùng 500 gr/100 m2 ao. Phân hoà nước, tạt đều quanh ao.
Đối với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú nước lợ, mặn, việc gây nuôi tảo khuê Chaetoceros sp., hay Skeletonema sp, bà con dùng vi sinh EM, ủ kèm rỉ đường, liều lượng theo nhà sản xuất sản phẩm hướng dẫn. Có thể dùng EM gốc ủ như sau: Dùng bồn 1.000 m3, đổ vào bồn 800 lít nước sạch đã qua xử lý kỹ, đổ thêm 60 lít mật đường tốt, cho vào bồn thêm 20 kg chế phẩm vi sinh EM gốc, ủ 6 – 7 ngày, sử dụng dần.
Hoặc dùng đường vàng (2kg), EM gốc or chế phẩm sinh học (500g), thức ăn tôm 43% (2 kg), hoà 180 – 200 lít nước, xục khí hỗn hợp trên 24 – 48 giờ → Tạo vi sinh có lợi. Tạt vi sinh xuống hồ ương, ao nuôi, trước khi thả tôm giống 1-2 ngày, chạy quạt hỗ trợ oxy. Bổ xung vi sinh liên tục 5 ngày đầu.