Tỷ phú nuôi tôm nơi cuối nguồn sông Lại

catovina Tác giả catovina 31/03/2023 10 phút đọc

Về thôn Công Lương, xã Hoài Mỹ, TX Hoài Nhơn - nơi cuối nguồn sông Lại - hỏi thăm nhà tỷ phú tôm Võ Thanh Triên (66 tuổi) ai cũng biết, bởi không chỉ là người khởi sự nuôi tôm ở địa phương, giàu lên bằng nghề nuôi tôm, ông Triên còn có công giúp người dân quê mình cùng làm giàu bằng nghề này.

viewimage
Mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn bằng bể nổi xi măng của ông Triên mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

DUYÊN VỚI CON TÔM

Vợ chồng ông Triên niềm nở tiếp tôi trong căn nhà khang trang rộng 200 m2. Bên tách trà nóng hổi mời khách, ông Triên cười hồn hậu: “Cơ ngơi của gia đình tôi đều nhờ con tôm cả đấy!”.

Năm 1995, khi giữ chức Chủ tịch UBND xã Hoài Mỹ, ông luôn trăn trở việc người dân nơi đây khai thác thủy sản trên vùng đầm Công Lương bằng xung điện thì về lâu dài sẽ dẫn đến cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Nghĩ vậy, tranh thủ những lúc rảnh việc, ông vào các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa để tìm hiểu nghề nuôi tôm. Sang năm 1996, ông rủ thêm 3 người bạn góp vốn đào 10.000 m ao để nuôi tôm sú, thức ăn cho tôm chủ yếu là cá sống, ốc, ngao, phễnh được cắt nhỏ. Mặc dù kỹ thuật nuôi tôm chẳng có là bao, nhưng ngay vụ đầu tiên nhóm của ông đã trúng đậm.

Ông Triên kể lại: “Hồi đó làm chơi ai ngờ ăn thiệt. Nuôi 3 tháng thì thu hoạch được 4 tấn với cỡ tôm 36 con/kg. Tụi tôi chất hết tôm lên xe chở vô Quy Nhơn bán được 400 triệu đồng - một số tiền rất lớn thời bấy giờ. Cả nhóm khiêng bao tiền về nhưng không dám đưa về nhà mà giấu trong chòi canh tôm. Trừ vốn đầu tư ra, còn lại mỗi người được 50 triệu đồng. Cả 4 người chúng tôi ai cũng vui mừng vì chưa bao giờ kiếm được số tiền lớn đến vậy, lại chỉ trong một thời gian ngắn như thế. Có tiền, mỗi người về sắm ngay một chiếc Honda Dream chạy cho sướng, phần còn lại đầu tư nuôi tôm tiếp. Khi đó, người dân địa phương thấy chúng tôi nuôi tôm thành công, nhưng vẫn còn hồ nghi”.

Được đà, nhóm ông Triên mở rộng diện tích ao nuôi. Dù cả nhóm sẵn lòng chỉ bày nhưng mãi cho đến năm 2000, người dân địa phương mới hăng hái học và theo nghề nuôi tôm. Nhận thấy nếu quy hoạch bài bản, nghề nuôi tôm mới phát triển toàn diện và bền vững, ông Triên bàn với lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Hoài Mỹ xin UBND huyện Hoài Nhơn cho chủ trương quy hoạch khu đầm Công Lương thành khu nuôi tôm và được huyện ủng hộ. Ông Triên tâm đắc: “Ý tưởng là từ cơ sở, nhưng thành hình khu nuôi tôm an toàn sinh học đầm Công Lương như bây giờ phải khẳng định là nhờ định hướng, chỉ đạo chính xác của lãnh đạo huyện Hoài Nhơn. Các ảnh không chỉ quan tâm, ủng hộ mà còn sâu sát, đưa ra nhiều gợi ý còn giá trị hơn cả cấp vốn, cho tiền. Khu nuôi tôm an toàn sinh học Công Lương rộng 35 ha/58 hộ nuôi ra đời như vậy đó”.

viewimage
Ông Triên kiểm tra tôm tại ao ương.

TRỞ THÀNH TỶ PHÚ NUÔI TÔM

Năm 2010, ông Triên nghỉ hưu và tập trung nuôi tôm. Năm 2013, cùng với phần vốn tích góp được, vay ngân hàng thêm 500 triệu đồng, ông Triên đầu tư hơn 1 tỷ đồng cải tạo ao tôm, tổ chức hoàn chỉnh mô hình nuôi tôm an toàn sinh học trong 1 ha ao trải bạt. Vụ tôm đầu tiên năm ấy, gia đình ông lại thắng lớn. “Nhưng ngày vui qua mau, vụ tôm đầu năm 2013 thắng to là thế nhưng chưa đủ trả hết nợ vay, mình lại thêm vốn để phát triển quy mô nuôi; đến cuối năm một trận lụt lớn cuốn trôi tất cả. Tôi trắng tay, nợ nần chồng chất! Phải nói là cả đời tôi, ngay cả trong chiến tranh cũng chưa bao giờ ở vào thế bĩ cực đến vậy!”, ông Triên kể lại.

Không nản lòng và có hậu phương vững chắc, ông Triên tiếp tục vay mượn họ hàng, vay vốn ngân hàng để nuôi tôm. Vụ tôm đầu tiên năm 2014, từ 8 ao nuôi/1 ha của mình, ông Triên thu hoạch hơn 20 tấn tôm, nhờ giá tôm khi đó rất cao, ông lãi hơn 2 tỷ đồng. Không những trả hết được nợ vay mà vợ chồng ông còn mua thêm 1 ha ao nuôi nữa để mở rộng quy mô. Làm chủ kỹ thuật nuôi tôm an toàn sinh học, nên vào giai đoạn ấy, mỗi năm gia đình ông Triên thu về 3 - 4 tỷ đồng.

Chỉ trong 2 năm 2017 và 2018, ông đã mua thêm 1,3 ha ao nuôi để làm thành hệ thống liên hoàn ao xử lý nước, ao lắng để đảm bảo tôm sinh trưởng phát triển trong môi trường tốt. Cuối năm 2019, ông đầu tư hơn 5 tỷ đồng nâng cấp ao nuôi, chuyển sang hình thức nuôi tôm 2 giai đoạn bằng bể nổi xi măng, kiểm soát toàn bộ quá trình khép kín từ lúc thả giống đến khi thu hoạch, ao nuôi tôm có mái che bằng lưới, trang bị máy sục khí tạo ôxy, hệ thống xử lý- luân chuyển nước vào ao nuôi, xử lý nước thải trước khi đưa ra môi trường.

Đưa tôi tham quan khu nuôi tôm của mình, ông Triên tươi cười: “Khu nuôi tôm của tôi rộng 3,5 ha, toàn bộ đều được nâng nền, hệ thống liên hoàn 11 ao nổi bằng bê tông xi măng. Nuôi tôm theo kiểu này lợi đủ đường, như: Tiết kiệm diện tích ao nuôi, tăng mật độ thả nuôi từ 100 con/m2 lên 200 con/m2, lại dễ quản lý, giảm chi phí, mà năng suất, chất lượng tôm tăng lên rõ rệt, phòng ngừa dịch bệnh rất thuận lợi. Tôi nuôi quanh năm theo hình thức gối đầu, thả nuôi hơn 2 triệu con tôm giống/vụ. Trung bình mỗi vụ nuôi, thu hoạch tổng cộng tới 58 - 60 tấn tôm thương phẩm, thu nhập từ 6 - 7 tỷ đồng!”.

Không những trở thành tỷ phú nuôi tôm ở vùng nuôi tôm an toàn sinh học thôn Công Lương, gia đình ông Triên còn tạo việc làm thường xuyên cho 19 lao động tại chỗ với mức thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng; ngoài ra khi thu hoạch tôm có lãi, ông còn thưởng thêm cho mỗi lao động từ 2 - 10 triệu đồng/người/vụ. Không những vậy, ông còn cho một số người nuôi tôm ở địa phương mượn tiền không tính lãi để làm nghề, sửa chữa nhà ở. Vợ chồng ông cũng tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, góp tiền làm đường bê tông trong thôn, ủng hộ quỹ khuyến học, quỹ đền ơn đáp nghĩa, tặng quà cho người gặp bệnh tật, hoạn nạn ở địa phương.

catovina
Tác giả catovina Admin
Bài viết trước Nuôi tôm trong hồ xi măng hình tròn cho thu nhập tiền tỷ

Nuôi tôm trong hồ xi măng hình tròn cho thu nhập tiền tỷ

Bài viết tiếp theo

Quản Lý Ao Tôm Nước Lợ Trong Mùa Mưa

Quản Lý Ao Tôm Nước Lợ Trong Mùa Mưa
Viết bình luận
Thêm bình luận
Popup image default

Bài viết liên quan

Thông báo