Các yếu tố ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc

catovina Tác giả catovina 12/06/2023 9 phút đọc

Dùng thuốc để phòng và điều trị bệnh cho tôm nuôi là cực kỳ cần thiết. Tuy nhiên, để sử dụng thuốc đạt hiệu quả cao nhất cần nắm vững các nguyên tắc điều trị cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc để tránh dùng không hiệu quả, tránh lạm dụng thuốc và gây ra những tác động xấu đến môi trường.

Tính chất lý hóa và cấu tạo hóa học của thuốc

Tác dụng của thuốc trên cơ thể sinh vật phụ thuộc vào tính chất lý hóa và cấu tạo hóa học của thuốc, chẳng hạn thuốc có độ hòa tan lớn, thuốc dạng lỏng cơ thể dễ hấp thụ nên tác dụng sẽ nhanh hơn. Tính chất hóa học của thuốc can thiệp vào quá trình sinh hóa của sinh vật để phát huy tác dụng dược lý như muối CuSO4 tác dụng lên protein làm kết vón tế bào tổ chức dẫn đến tiêu diệt nhiều nguyên sinh động vật ký sinh trên tôm.

Mỗi khi cấu tạo hóa học của thuốc thay đổi thì tính chất dược lý cũng thay đổi theo. Thuốc dịch thể dễ hấp thu hơn thuốc tinh thể, nhưng tinh thể lại hấp thu nhanh hơn chất keo.

Liều lượng dùng thuốc

Liều lượng thuốc nhiều hay ít đều có ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc. Dùng liều quá ít không phát sinh tác dụng; dùng liều lượng thuốc nhỏ nhất phát sinh được tác dụng thì gọi là liều lượng thuốc thấp nhất có hiệu nghiệm.

Liều lượng thuốc lớn nhất mà cơ thể sinh vật chịu đựng được không có biểu hiện ngộ độc là liều lượng thuốc chịu đựng cao nhất, là liều lượng cực đại. Nếu vượt quá ngưỡng này tôm sẽ bị ngộ độc. Liều lượng dẫn đến tôm ngộ độc gọi là lượng ngộ độc, vượt hơn tôm sẽ chết gọi là liều lượng tử vong.

Thuốc dùng để trị các bệnh bên ngoài của tôm thường dựa vào thể tích nước để tính liều lượng thuốc.

Muốn chọn liều lượng nào để chữa bệnh cho tôm có hiệu quả cao và an toàn cần phải nắm vững tình trạng cơ thể, giai đoạn phát triển và đặc điểm sinh vật học của tôm cần trị bệnh cũng như điều kiện môi trường tôm sống mới có quyết định chính xác. Có lúc trong phạm vi an toàn thuốc vẫn có thể gây ngộ độc đối với tôm vì điều kiện môi trường không phù với tôm hoặc sức khỏe tôm yếu.

1239-1

Phương pháp dùng thuốc

Phương pháp dùng thuốc không giống nhau tốc độ hấp thu sẽ khác nhau nên nồng độ thuốc trong cơ thể cũng sẽ khác nhau. Phòng trị các bệnh bên ngoài cơ thể tôm thường phát huy tác dụng cục bộ của thuốc, còn đối với phòng trị các bệnh bên trong cơ thể tôm lại dùng phương pháp tác dụng hấp thu của thuốc.

Thuốc được dùng cho tôm có thể bằng nhiều phương pháp khác nhau. Có thể trộn vào thức ăn hoặc sử dụng tạt trực tiếp xuống ao. Thuốc để trộn cho ăn tác dụng nhanh hơn là tạt trực tiếp xuống ao. Cùng một phương pháp dùng thuốc nếu diện tích hấp thu càng lớn thì khả năng hấp thụ nhanh, hiệu nghiệm của thuốc sẽ nhanh hơn.

Yếu tố bên trong cơ thể tôm

Bản thân cơ thể tôm có các yếu tố bên trong cũng ảnh hưởng đến hấp thu của thuốc như: Lúc đói, ruột rỗng, tôm hấp thu thuốc dễ hơn lúc no ruột có nhiều thức ăn hay chất cặn bã. Hệ thống tuần hoàn khỏe mạnh giúp tôm hấp thu thuốc tốt hơn hệ thống tuần hoàn yếu. Loài tôm nào có tính mẫn cảm cao, sức chịu đựng yếu thì không thể dùng thuốc với liều lượng cao nên tác dụng của thuốc giảm và ngược lại. Cùng loài, cùng tuổi, cùng môi trường sống nhưng sức chịu đựng của từng cá thể cũng khác nhau. Thường con khỏe mạnh có thể dùng thuốc nồng độ cao, thời gian dùng có thể kéo dài hơn con bị yếu. Trong số đàn bị bệnh, con bị bệnh nặng dễ bị ngộ độc hơn con bị bệnh còn nhẹ.

benh-o-tom-the-chan-trang-tom-bi-benh-dau-vang

Điều kiện môi trường ao nuôi

Tôm là động vật máu lạnh nên chịu sự chi phối rất lớn từ các biến động của môi trường. Điều kiện môi trường tác động đến tôm, từ đó ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc, nhất là các loại thuốc dùng để trị các bệnh bên ngoài cơ thể. Điều kiện môi trường như: Độ trong, độ cứng, độ muối, diện tích, độ sâu của ao nuôi, độ pH, nồng độ thuốc… đều ảnh hưởng đến khả năng hấp thu thuốc trong cơ thể tôm.

Nhiệt độ: Trong phạm vi nhất định, khi nhiệt độ cao tác dụng của thuốc sẽ mạnh hơn. Chẳng hạn, Dùng KMnO4 tắm cho tôm trị bệnh do ký sinh trùng đơn bào (Zoothamnium, Epistylis) ký sinh ở nhiệt độ 15 - 20oC dùng liều lượng 20 ppm. Nhưng nếu nhiệt độ 21 - 30oC chỉ dùng liều 10 ppm.

pH: pH cao tác dụng của thuốc sẽ yếu nên độ an toàn của thuốc sẽ cao.

Hàm lượng ôxy trong nước: Hàm lượng ôxy trong nước cao, sức chịu đựng của tôm với thuốc càng cao nên phạm vi an toàn càng lớn.

Chất độc: Trong môi trường nước có nhiều chất độc, sức chịu đựng của cơ thể tôm với thuốc giảm nên chỉ dùng thuốc ở nồng độ thấp, thời gian dùng cũng phải ngắn vì thế tác dụng của thuốc sẽ giảm.

Phương Đông

catovina
Tác giả catovina Admin
Bài viết trước Xử lý bệnh phát sáng

Xử lý bệnh phát sáng

Bài viết tiếp theo

Kích Thích Tôm Lột Xác Thực Giúp Nâng Cao Năng Lượng

Kích Thích Tôm Lột Xác Thực Giúp Nâng Cao Năng Lượng
Viết bình luận
Thêm bình luận
Popup image default

Bài viết liên quan

Thông báo