Khó quản lý dịch bệnh trên diện tích nuôi tôm bán thâm canh, quảng canh
HÀ TĨNH Dù là đối tượng NTTS chủ lực của Hà Tĩnh nhưng do diện tích nuôi tôm bán thâm canh, quảng canh cải tiến lớn nên việc quản lý dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn.
Diện tích nuôi tôm bán thâm canh, quảng canh cải tiến chiếm hơn 70%
Thực hiện đề án phát triển nông nghiệp chủ lực của tỉnh Hà Tĩnh, hơn chục năm qua, nghề nuôi tôm được các huyện, thị xã, thành phố lựa chọn là đối tượng nuôi chủ lực, thúc đẩy phát triển kinh tế cho hàng nghìn hộ dân.
Đã có những thời điểm, nhà nhà, người người đua nhau đầu tư nuôi tôm. Tuy nhiên, đây là đối tượng nuôi đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao nên qua thời gian, do ảnh hưởng của giá cả, dịch bệnh, môi trường nên mấy năm gần đây không tăng diện tích. Hiện toàn tỉnh còn 2.239 ha nuôi tôm; trong đó, nuôi thâm canh, công nghiệp 629 ha; nuôi tôm bán thâm canh, quảng canh cải tiến lên đến 1.610 ha.
Theo bà Đặng Thị Thu Hoàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, với hơn 70% diện tích nuôi tôm theo hình thức bán thâm canh, quảng canh cải tiến, trong ao còn có cả tôm tự nhiên, cua, còng… đã gây ra không ít khó khăn cho công tác quản lý, phòng chống dịch bệnh của cơ quan chuyên môn.
“Các loại dịch bệnh gây hại trên tôm thẻ chân trắng và tôm sú chủ yếu là đốm trắng do vi rút, hoại tử gan tụy và vi bào tử trùng (chậm lớn). Diện tích bị dịch hàng năm bình quân chiếm từ 2 – 4,5% tổng diện tích nuôi. Dịch bệnh thường xảy ra nhiều hơn ở hình thức nuôi bán thâm canh và quảng canh cải tiến; tập trung ở các huyện Nghi Xuân, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, huyện Thạch Hà…”, bà Hoàn nói.
Phân tích nguyên nhân, bà Hoàn cho rằng, yếu tố khách quan là thời tiết thay đổi đột ngột, nắng nóng xen lẫn các đợt gió mùa, hay mưa lớn kéo dài nhiệt độ nước trong ao thay đổi đột ngột. Thậm chí như năm 2022, trời rét kéo dài đến giữa tháng 5; giai đoạn chuyển mùa nhiệt độ ngày - đêm có những thời điểm chênh lệch 13,14 độ, ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, gây hại.
Về chủ quan, trước hết các cơ sở đầu tư hạ tầng không đảm bảo; hệ thống cấp thoát nước chung nhau nên khi dịch bệnh xảy ra khó kiểm soát, thực hiện các giải pháp phòng trừ.
Một bộ phận người dân dù đã tuyên truyền nhưng ý thức chưa cao, chưa chấp hành quy trình nuôi, phòng chống dịch, trực tiếp xả nước, tôm nuôi bị bệnh khi chưa qua xử lý ra môi trường làm ô nhiễm nguồn nước, lây lan dịch bệnh.
Nhiều diện tích tôm thả giống rất ít, xen lẫn đối tượng tôm đất tự nhiên, cua, còng… đây là các loài giáp xác có trong tự nhiên, chúng thường mang mầm bệnh nguy hiểm, chết trước, người dân khó phát hiện đến khi gây bệnh trên tôm thì “vô phương cứu chữa”.
Một số vùng khác, người dân dù biết tôm bị bệnh nhưng do ao hồ rộng, lượng hóa chất chống dịch như “muối bỏ biển”, không phát huy hiệu quả. Thậm chí, có những hộ từ chối thực hiện các giải pháp dập dịch để tranh thủ tận thu cua, cá.
Ngoài ra, ở một số địa phương, cán bộ chuyên môn chăn nuôi, thú y thiếu và yếu, kiêm nhiệm nhiều việc, làm trái chuyên môn gây khó khăn trong công tác phát hiện dịch bệnh, tham mưu chính quyền các giải pháp xử lý…
Đỏ mắt tìm bắt tôm để lấy mẫu
Nhớ lại các đợt chống dịch năm 2022, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh khẳng định, hầu hết dịch bệnh trên tôm xảy ra trên diện tích nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến. Đơn cử, đợt dịch xảy ra tại huyện Nghi Xuân hồi tháng 4/2022.
Thời điểm đó, một số ao nuôi xuất hiện tôm chết rải rác, người nuôi nhận định do nguồn nước ô nhiễm nên chậm báo cáo chính quyền và cơ quan chuyên môn. Sau khi vào cuộc, lấy mẫu xét nghiệm, cơ quan thú y xác định tôm bị bệnh đốm trắng, lúc này, diện tích bị bệnh đã lây lan diện rộng.
“Nuôi quảng canh cải tiến thường thả giống rất thưa, có khi 1 ha ao hồ, người dân chỉ thả 1 – 2 vạn giống. Tính ra, họ thả mật độ khoảng 1 con/m2, chưa kể hao hụt. Với mật độ như thế khi tôm bị bệnh đến cơ quan chuyên môn cũng khó phát hiện chứ đừng nói người dân. Những lúc như vậy chúng tôi đỏ mắt mới tìm bắt được tôm để lấy mẫu xét nghiệm”, bà Đặng Thị Thu Hoàn nhớ lại.
Theo bà, việc không phát hiện hoặc phát hiện muộn mầm bệnh ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả chống dịch. Vì vậy, đối với những vùng nuôi tôm bán thâm canh, quảng canh, quảng canh cải tiến, chính quyền địa phương và cán bộ thú y cơ sở cần vào cuộc mạnh mẽ, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người nuôi trồng, thậm chí phải xử lý nghiêm khắc với những hành vi xả nước, tôm nuôi bị bệnh ra môi trường khi chưa xử lý theo quy định.
Để giảm thiểu thiệt hại do dich bệnh gây ra, người nuôi phải chủ động thực hiện đầy đủ kịp thời các biện pháp phòng bệnh tổng hợp theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Trước hết cơ sở hạ tầng phải đảm bảo, nhất là hệ thống cấp thoát nước riêng biệt, xử lý nước đảm bảo trước khi đưa vào ao nuôi. Chấp hành quy trình nuôi, quy định về phòng chống dịch, trong đó, lưu ý việc làm tốt vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực nuôi; lựa chọn con giống ở các cơ sở có uy tín, nên trực tiếp đến cơ sở kiểm tra lô giống. Đối với con giống có nguồn gốc ngoại tỉnh phải có hồ sơ kiểm dịch; giống trong tỉnh phải có kết quả xét nghiệm mẫu tôm giống âm tính với các bệnh nguy hiểm.
Khuyến cáo các hợp tác xã, hộ dân tập hợp lấy chung 1 nguồn giống, có ký kết hợp đồng để gắn trách nhiệm và thuận tiện trong việc kiểm tra, giám sát dịch bệnh, giải quyết quyền lợi khi có sự cố xảy ra. Quá trình nuôi thường xuyên theo dõi sức khỏe tôm, yếu tố môi trường nước để có điều chỉnh phù hợp, kịp thời. Định kỳ dùng chế phẩm sinh học, xi phong đáy ao để loại bỏ chất thải ao nuôi.
Đặc biệt, việc sử dụng thuốc điều trị cho tôm phải nằm trong danh mục được phép lưu hành, không tùy tiện lạm dụng thuốc kháng sinh điều trị bệnh tránh nhờn thuốc và đảm bảo an toàn thực phẩm.