Một số lưu ý để nuôi ghép tổng hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao

catovina Tác giả catovina 25/03/2023 9 phút đọc

Nuôi ghép tổng hợp là hình thức nuôi kết hợp nhiều loại nuôi trên cùng một diện tích, trong cùng một thời vụ nhằm tận dụng sự tương tác có lợi của các loài nuôi, tận dụng thức ăn tự nhiên, thức ăn thừa của các đối tượng nuôi khác nhằm tạo cân bằng sinh thái góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Các mô hình nuôi ghép tổng hợp chủ yếu như phổ biến ở các khu vực nước lợ là: tôm với cá; tôm với cua, cá; tôm với cua,... 

Lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp

Để việc nuôi ghép tổng hợp có hiệu quả kinh tế, các đối tượng được chọn để nuôi phải có những đặc điểm sau: 

- Môi trường sống phù hợp với nhau: các chỉ số nhiệt độ, độ mặn, pH,… phải tương đồng nhau để cùng sinh trưởng và phát triển, không kìm hãm sự phát triển của nhau.

- Nếu nuôi ghép với tôm, các đối tượng khác không có tập tính cạnh tranh thức ăn và ăn tôm.

- Nên lựa chọn các loài cá ăn tạp chủ yếu về mùn bã hữu cơ.

Một số loài có thể lựa chọn để nuôi ghép với nhau như: tôm, cua, cá đối, cá dìa, cá chua, cá rô phi,...

Đặc điểm của một số đối tượng nuôi ghép

Cá dìa

Cá dìa (Siganus guttatus) hay còn gọi là cá dìa bông, là loài rộng muối, có thể sống vùng nước lợ, mặn ở độ sâu đến 6 m. Cá bột sống quanh quẩn cửa sông, riêng cá trưởng thành thường ra vào cửa sông theo thủy triều. Thức ăn tự nhiên là tảo đáy, rong. Loài cá này hoạt động vào ban đêm. Kích cỡ lớn nhất có thể đạt được là 42 cm.

Cá dìaCá dìa. Ảnh: NTN

Cá đối

Cá đối là loài rộng muối, phân bố rộng rãi trong các thủy vực nước lợ, mặn vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Đây là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, đối tượng nuôi phổ biến nhất là cá đối mục (Mugil cephalus) do đặc điểm phân bố rộng, sinh trưởng nhanh và đạt kích cỡ lớn khi thành thục. Cá đối ăn động vật phù du và chuyển sang ăn thực vật phù du, mùn bã hữu cơ lơ lửng, thảm thực vật đáy lúc trưởng thành. Trong điều kiện nuôi, ngoài nguồn thức ăn tự nhiên chúng có thể ăn thức ăn chế biến và thức ăn công nghiệp.

Cá măng (Cá chua)

Cá măng (Chanos chanos) là loài cá sống rộng muối. Trong tự nhiên cá ăn phiêu sinh thực vật, cá măng còn ăn tạp: Mùn bã hữu cơ, các chất vẫn trong nước hay đáy ao. Thảm thực vật đáy là nguồn thức ăn ưa thích nhất của nó. Ngoài ra trong điều kiện nuôi, cá măng còn sử dụng rất tốt nguồn thức ăn nhân tạo.

Cá chuaCá chua. Ảnh: NTN

Cua

Cua biển là loài phân bố rộng, nhiệt độ thích hợp từ 25 – 300C. Tính ăn của cua thay đổi theo từng giai đoạn phát triển. Giai đoạn ấu trùng cua thích ăn thực vật và động vật phù du. Cua con chuyển dần sang ăn tạp như rong to, giáp xác, nhuyễn thể, cá. Cua có tập tính trú ẩn vào ban ngày và kiếm ăn vào ban đêm.

CuaCua. Ảnh: NTN

Một số mô hình thức nuôi ghép tổng hợp

- Nuôi ghép cá chua với cua xanh: cá chua là đối tượng nuôi chính, kích cỡ 10 – 12 cm/con, mật độ 0,5 con/ m2; cua được thả ghép với mật độ 0,3 con/m2, kích cỡ cua giống 2 – 2,5 cm/con. Chỉ cho ăn đối tượng nuôi chính là cá chua. Cho ăn bằng thức ăn công nghiệp chất lượng tốt, độ đạm trên 25% và lượng thức ăn từ 4 – 10% trọng lượng. Cua thường hoạt động bắt mồi vào buổi tối. Vì vậy, cho cá chua ăn trước lúc trời tối để hạn chế việc cạnh tranh thức ăn.

- Nuôi ghép cua với cá dìa trong ao: với 2 đối tượng là cua và cá dìa. Cua là đối tượng nuôi chính, kích cỡ lớn hơn 1,2 cm, mật độ 0,5 con/ m2; cá dìa được thả ghép với mật độ 0,1 con/m2, kích cỡ cá dìa giống 4 – 6 cm/con. Chỉ cho ăn đối tượng nuôi chính là cua. Cua thường hoạt động bắt mồi vào buổi tối nên cho cua ăn 1 lần/ngày vào lúc chiều tối.

- Nuôi ghép tôm sú với cá dìa: thả nuôi với 2 đối tượng là tôm sú và cá dìa. Tôm sú là đối tượng nuôi chính, thả tôm sú giống PL15, mật độ 10 con/ m2; cá dìa  được thả ghép với mật độ 0,2 con/m2, kích cỡ giống 4 – 6 cm/con. Sử dụng thức ăn công nghiệp cho ăn đối tượng nuôi chính là tôm sú. Cho ăn 2 – 3 lần/ngày tùy theo mật độ tôm thả. Lượng thức ăn viên cho tôm ăn hàng ngày từ 2 – 10%  trọng lượng thân của tôm. Cho ăn chủ yếu vào chiều tối và ban đêm.

Đối với cá dìa, ngoài nguồn thức ăn tự nhiên có sẵn trong ao như rong tảo, cá còn ăn nguồn thức ăn tự nhiên tạo ra bằng cách gây màu nước, thức ăn tự chế biến và nguồn thức ăn thừa của tôm sú.

Ngoài ra, chúng ta có thể áp dụng nuôi ghép với nhiều hình thức khác nhau như: nuôi ghép tôm sú với cá chua, nuôi ghép tôm sú với cá rô phi,...

catovina
Tác giả catovina Admin
Bài viết trước Một số giải pháp nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ Semi-biofloc

Một số giải pháp nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ Semi-biofloc

Bài viết tiếp theo

Tại Sao Chẩn Đoán Bệnh Là Nền Tảng Cho Sự Phát Triển Ngành Thủy Sản?

Tại Sao Chẩn Đoán Bệnh Là Nền Tảng Cho Sự Phát Triển Ngành Thủy Sản?
Viết bình luận
Thêm bình luận

Bài viết liên quan

Thông báo