Những bài học trong phát triển nuôi trồng thủy sản Việt Nam dưới cái nhìn của một người trong cuộc
- Từ những ngày đầu con cá tra chập chững bước ra thị trường Thế Giới, ngày mà con tôm thẻ chân trắng chân ướt chân ráo vào Việt Nam. Một đoạn đường đủ dài cho ta biết bao bài học từ những người đi trước, từ góc nhìn của một người 50 năm trong nghề.
Đây là một bài viết khá dài nhưng vô cùng hấp dẫn, chịu khó đọc hết bạn sẽ thấy được để có được ngành thủy sản Việt Nam hôm nay không hề đơn giản.
Nuôi trồng thủy sản Việt Nam không phải chỉ có những ‘cú hích’ để phát triển mà còn có những ‘bài học’ để ‘trưởng thành’. Tôi cho rằng nêu ra những ‘bài học’ cũng là việc nên làm, và dưới đây là những ‘bài học’ khiến nuôi trồng thủy sản Việt Nam (NTTS VN) ‘trưởng thành’ hơn.
Những bài học từ con cá tra
Việc xuất khẩu cá basa (Pangasius bocourti) và sau đó là cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) ra thị trường thế giới vào cuối thập niên 1990s được xem là kỳ tích của NTTS VN. Thời điểm ấy, thị trường duy nhất của cá basa và tra là Hoa Kỳ. Sản phẩm cá basa đáp ứng các tiêu chuẩn về thực phẩm của nước nhập khẩu là điều dễ hiểu vì cá được nuôi trong bè với thức ăn tự chế. Việc chọn Hoa Kỳ là nước đầu tiên để giới thiệu cá basa vừa có yếu tố ‘chiến lược’ vừa có sự ‘may mắn’.
Ở Hoa Kỳ có một đối tượng cá nuôi quan trọng là channel catfish (Ictalurus punctatus), thường được gọi cá da trơn hay trê châu Mỹ, và được nuôi phổ biến ở các tiểu bang miền Nam.
Năm 2000, cá da trơn đứng thứ 5 trong top 10 sản phẩm thủy sản được sử dụng nhiều nhất bởi người tiêu dùng Mỹ. Tuy xếp thứ 5 nhưng cá da trơn lại có sản lượng (khoảng 200 nghìn tấn vào năm 1999) và giá trị sản xuất (khoảng 600 triệu USD) cao nhất trong NTTS vì 100% sản phẩm tiêu thụ là từ hoạt động nuôi. Sản phẩm cá da trơn tiêu thụ ở Mỹ chủ yếu dưới dạng phi-lê đông lạnh (62% vào năm 1999). Do sản lượng nuôi không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước nên Hoa Kỳ đã phải nhập sản phẩm cá da trơn từ các nước Nam Mỹ, đặc biệt là từ Brazil vào giữa thập niên 1970s.
Sản lượng cá da trơn nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ Nam Mỹ giảm dần đến cuối thập niên 1990s và sau đó tăng lên khi cá basa xuất khẩu từ Việt Nam ngày càng tăng với nhiều tên gọi kèm theo từ ‘catfish’ như ‘Dory catfish’ hay ‘Basa catfish’. Người tiêu dùng Hoa Kỳ khá dễ tính. Dù không biết ‘mặt mũi’ cá basa ra sao nhưng sản phẩm ‘catfish’ từ Việt nam với chất lượng cao (thịt trắng, không có mùi hôi (off-flavor)) và giá rẻ nên người tiêu dùng Mỹ sẵn lòng chấp nhận.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu cá basa gặp trở ngại do sản lượng nuôi không nhiều. Cá basa không có cơ quan hô hấp phụ và có ngưỡng oxygen cao nên chỉ được nuôi trong bè; trong khi cá tra có cơ quan hấp phụ để lấy ôxy trong không khí nên có thể nuôi với mật độ rất cao và năng suất cũng rất cao. Việc nuôi cá tra trong ao truyền thống với ‘cầu treo’ (over-hung latrine pond) rõ ràng không đáp ứng tiêu chuẩn thực phẩm nên một số doanh nghiệp đưa cá tra vào bè nuôi để chế biến xuất khẩu. Do lo sợ Việt kiều ở Hoa Kỳ có thể ‘tiết lộ’ thông tin về phương thức nuôi cá tra trong ao trước đây và có ảnh hưởng ‘tiêu cực’ đến việc xuất khẩu cá tra nên các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản (CBXKTS) đã sử dụng tên sản phẩm cá basa, đã xây dựng được trước đó, cho cá tra. Người tiêu dùng Mỹ không quan tâm hay không biết về thay đổi của nguyên liệu ‘catfish’ từ Việt Nam khi chất lượng sản phẩm phi-lê vẫn đảm bảo trong khi giá ngày càng rẻ.
Năm 1999, sản phẩm cá basa-tra đã chiếm tới 20% thị trường nội địa Hoa Kỳ. Vào năm 2002, sản phẩm cá basa-tra xuất khẩu vào Hoa Kỳ đã đạt 18,3 nghìn tấn với giá trị 55,1 triệu USD, tăng 77% về sản lượng và 60,21% về giá trị so với năm 1999. Cùng với sự gia tăng về sản lượng, giá nhập khẩu sản phẩm cá basa-tra đã giảm từ khoảng 5,5 USD/kg vào năm 1999 xuống khoảng 3 USD/kg vào năm 2002 (lúc thấp nhất là 2,5 USD/kg vào năm 2001).
Giá bán thấp của sản phẩm cá basa-tra đã ‘đe dọa’ hay ‘gây thiệt hại kinh tế’ cho người nuôi cá da trơn ở Hoa Kỳ do phải hạ giá bán cá da trơn phi-lê theo giá của sản phẩm cá basa-tra. CFA (Catfish Farmers of America), hiệp hội của những người nuôi cá da trơn ở Hoa Kỳ, đã cảnh giác và bắt đầu có những phản ứng tự vệ. Đầu tiên, CFA vận động hành lang cũng như áp lực với các nghị sĩ ở các tiểu bang miền nam để quốc hội thông qua Đạo luật Chi tiêu Nông nghiệp (Agriculture Appropriations Act) cho năm tài khóa 2001- ; theo đó Bộ Thương mại (Department of Commerce, DOC) Hoa Kỳ đã ban hành quy định cấm các sản phẩm cá da trơn (bao gồm cá basa và tra) nhập khẩu được sử dụng tên ‘Catfish’ cũng như việc phải ghi tên xuất xứ của sản phẩm xuất khẩu (Made in Vietnam) theo Đạo luận An ninh Trang trại Hoa Kỳ (American Farm Security Act).
Dẫu vậy, sản lượng sản phẩm cá basa-tra xuất khẩu vào thị trường Mỹ vẫn tiếp tục tăng. Cuối cùng, CFA nghĩ đến một vụ kiện để áp đặt các thuế chống bán phá giá (anti-dumping/countervailing tariffs) chống lại các sản phẩm cá basa-tra nhập khẩu. Rất khó cho CFA chứng minh việc xuất khẩu sản phẩm cá basa-tra gây ra thiệt hại vật chất cho công nghiệp nuôi cá da trơn Hoa Kỳ cũng như các doanh nghiệp CBXKTS Việt Nam bán sản phẩm thấp hơn giá trị thực của thị trường (fair value) theo các luật của Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization, WTO). Tuy nhiên, CFA tìm thấy cơ hội cho vụ kiện chống bán phá giá (CBPG) khi theo luật của WTO qui định chi phí sản xuất đưa ra bởi nước xuất khẩu sẽ không được chấp nhận khi nước đó có nền kinh tế phi thị trường (non-market economy) nên đã đệ đơn lên DOC kiện một số doanh nghiệp Việt Nam bán phá giá cá basa-tra vào thị trường Hoa Kỳ vào tháng 6/2002.
Tháng 11/2002, DOC xác định Việt Nam sẽ được đối xử như một nền kinh tế phi thị trường trong vụ kiện theo các luật nghĩa vụ chống bán phá giá của Hoa Kỳ (U.S. antidumping and countervailing duty laws). Từ đó, DOC chọn Bangladesh là nước thay thế để tính chi phí sản xuất cá basa-tra; mặc dầu thời điểm đó Bangladesh không hề có nuôi, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm này. Với tính toán chi phí sản xuất cá basa-tra trong điều kiện của Bangladesh, giá thành của cá basa-tra nuôi đã tăng lên rất nhiều so với giá sản xuất thực tế ở Việt Nam.
Cuối cùng các sản phẩm cá basa-tra bị Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (International Trade Commision, USITC) phán quyết là bán phá giá để sau đó DOC tính biên phá giá và áp đặt thuế CBPG cho các doanh nghiệp CBXK cá basa và cá tra vào năm 2003. Ông bà thường nói: ‘trong cái rủi có cái may’. Trong thời gian vụ kiện CBPG cá basa-tra diễn ra, nhiều nước khác theo dõi và phát hiện ra rằng Việt Nam có một sản phẩm mà người dân họ cần. Sau vụ kiện này, sản phẩm cá tra đã dần tìm được nhiều thị trường quốc tế khác. Đến năm 2019, cá tra đã được xuất khẩu đến hơn 130 thị trường trên thế giới.
Ngày nay các vụ kiện CBPG xảy ra thường xuyên trong thương mại quốc tế. Cho đến nay Việt Nam phải đương đầu với gần 100 vụ kiện CBPG nhưng vụ kiện CBPG cá basa-tra là có quy mô lớn nhất và có tác động sâu rộng đến một ngành kinh tế ‘mũi nhọn’ của Việt Nam. Mặc dầu, vẫn còn những nghiên cứu về tính pháp lý của vụ kiện CBPG cá tra theo các luật của WTO hay chủ nghĩa bảo hộ (protectionism) của Hoa Kỳ trong việc tiếp tục áp thuế CBPG đối với sản phẩm cá tra (cũng như sản phẩm tôm sau này) của Việt Nam; vụ kiện này cũng đã cho chúng ta nhiều bài học quý giá.
Rõ ràng các doanh nghiệp CBXKTS Việt Nam không hề có chủ trương bán phá giá cá basa và tra. Nhưng thay vì đầu tư tìm kiếm những thị trường mới, các doanh nghiệp CBXKTS đi sau lại áp dụng chiến lược ‘hạ giá’ như một cách hiệu quả để chen chân vào thị trường Hoa Kỳ. Chiến lược này vẫn còn được các doanh nghiệp mới áp dụng cho đến khi nào việc CBXK cá basa và tra vẫn mang lại lợi nhuận. Điều này cho thấy các doanh nghiệp CBXKTS Việt Nam thiếu liên kết và tự đặt mình vào một hoàn cảnh nguy hiểm là ‘bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ’. Do không nắm được luật pháp của nước nhập khẩu nên các doanh nghiệp CBXKTS Việt Nam đã vô tình ‘dính vào vụ kiện CBPG’. Khi ưu thế cạnh tranh và thị phần của những người nuôi cá da trơn Hoa Kỳ bị mất và bị suy giảm thì tất yếu họ phải sử dụng mọi biện pháp, kể cả kiện CBPG, để ngăn chận hàng nhập khẩu.
Sau khi sản phẩm cá basa và tra bị áp thuế CBPG và tìm được những thị trường mới, sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp CBXKTS và người nuôi cũng đã gây ra những ‘thiệt hại’ không thể thống kê được. Với mong muốn duy trì và nâng cao giá bán sản phẩm cá tra ở những thị trường mới, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vietnam Association of Seafood Exporters and Producers, VASEP) và cơ quan quản lý đã khuyến cáo các doanh nghiệp CBXKTS khi tham gia các hội chợ thủy sản quốc tế không chào mời giá bán sản phẩm cá tra không thấp hơn giá sàn. Tuy nhiên, để có được đơn hàng nhiều doanh nghiệp vẫn ‘phá rào’ mà không phải chịu bất cứ một biện pháp ‘chế tài’ nào. Đến nổi có Giám đốc doanh nhiệp CBXKTS khi tham gia một hội chợ thủy sản ở nước ngoài phải ngao ngán thốt lên: ‘Thật buồn cho thân phận của cá tra Việt Nam. Chất lượng của cá tra không thua gì các sản phẩm tương tự nhưng phải bán với giá thấp hơn rất nhiều’. Nâng cao giá bán sản phẩm cá tra vẫn là mơ ước không thành của công nghiệp nuôi và CBXK cá tra của Việt Nam do các hành động ‘phá rào’ nói trên.
Do không dự đoán được nhu cầu nên sản lượng nuôi có khi thừa khi thiếu, và để đảm bảo nguyên liệu cho chế biến nên có một số doanh nghiệp CBXKTS ký hợp đồng bao tiêu với nông dân. Nhưng khi sản lượng nuôi thừa thì có tình trạng doanh nghiệp ‘bỏ kèo’ hay ‘ép giá. người nuôi; ngược lại, khi sản lượng nuôi thiếu thì có tình trạng nông dân ‘bỏ kèo’ hay ‘nâng giá’ đối với doanh nghiệp. Ở Đài Loan, ‘cường quốc’ xuất khẩu cá rô phi vào thị trường Hoa Kỳ vào thập niên 2000s, có sự liên kết chặt chẽ giữa người nuôi và doanh nghiệp CBXK cá rô phi trong Liên minh Cá rô phi Đài Loan (Taiwan Tilapia Alliance, T2A). Khi thị trường XK khó khăn dẫn đến nguyên liệu thừa, doanh nghiệp CBXK sẽ mua cá nguyên liệu không thấp hơn một giá sàn; ngược lại, khi nguyên liệu thiếu, người nuôi sẽ bán cá nguyên liệu không vượt quá một giá trần.
Trung thực và xây dựng thương hiệu trong sản xuất kinh doanh cũng là bài học cần rút ra. Từ năm 2000, xuất khẩu cá basa giảm xuống và xuất khẩu cá tra tăng khi việc nuôi cá tra trong bè cho năng suất cao hơn và giá thành sản xuất thấp hơn. Tuy nhiên, thay vì sử dụng một tên mới thì các doanh nghiệp lại dùng tên ‘basa catfish’ cho cá tra. Sau khi DOC đưa ra các qui định cấm sử dụng tên ‘catfish’ cho các sản phẩm cá da trơn (ngoại trừ các loài cá thuộc họ Ictaluridae) nhập khẩu vào Hoa Kỳ và phải ghi xuất xứ, các doanh nghiệp vẫn không đủ ‘dũng khí’ để đặt tên mới cho sản phẩm cá tra mà vẫn mập mờ với các tên như ‘tra basa’ hay ‘hypo basa’.
Theo luật của nhiều nước, việc sử dụng tên basa cho sản phẩm cá tra có thể bị xem như một sự ‘gian lận thương mại’ và bị xử lý rất nặng. Một doanh nhân cũng đã vướng vào vấn đề pháp lý của nước nhập khẩu khi sử dụng tên một loài cá biển cho sản phẩm cá tra xuất khẩu. Phải tốn một thời gian khá dài để sản phẩm cá tra được chính danh và đường hoàng bước ra các thị trường thế giới.
Có một doanh nhân xuất khẩu cá tra, khi được hỏi về xây dựng thương hiệu để tăng khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường, đã cho rằng: ‘Điều đó không cần vì cứ giá cá rẻ là họ nhập hết’. Với suy nghĩ đơn giản như vậy nên một số doanh nghiệp sẵn sàng nâng mức mạ băng của sản phẩm cá tra phi-lê đông lạnh, bình thường từ khoảng 10% lên 20-30%, theo yêu cầu của các nhà nhập khẩu của LB Nga. Hậu quả là người tiêu dùng Nga đã quay lưng với sản phẩm cá tra nhập khẩu từ Việt Nam. Bài học vẫn luôn luôn không mới.
Tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và minh bạch trong tài liệu lưu trữ và sổ sách kế toán cũng là một bài học khác. Việc gia nhập WTO vào tháng 11/2007 đáp ứng mong muốn hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nhưng cũng mang lại cho Việt Nam một ‘công cụ’ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của các doanh nghiệp Việt Nam trong tranh chấp thương mại quốc tế. Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã lần đầu tiên sử dụng ‘công cụ’ này trong vụ kiện chống bán phá giá trên sản phẩm tôm. Việt Nam đã ‘thắng’ trong việc phản đối Bộ Thương mại Hoa kỳ (DOC) sử dụng phương pháp “Quy về 0” (zeroing) trong xác định biên độ phá giá đối với các bị đơn bắt buộc trong rà soát hành chính (period of review, POR) lần 2 và lần 3. Việc minh bạch hồ sơ cho các lần POR trong áp thuế chống bán phá giá là rất quan trọng. Nhờ thực hiện tốt điều này mà một công ty CBXK cá tra đã được hưởng mức thuế chống bán phá giá là 0 USD/kg từ nhiều năm qua.
Yêu cầu các bên liên quan (stakeholder) chung sức và có trách nhiệm trong phát triển sản xuất cũng cần được đặt ra. Năm 2007, khi Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) khởi xướng chương trình Đối thoại nuôi cá tra – basa (Pangasius Aquaculture Dialogue – PDA) nhằm xây dựng các tiêu chuẩn nuôi hướng tới hạn chế những ảnh hưởng xấu về môi trường cũng như xã hội do phát triển nghề nuôi các đối tượng này.
Trước đó WWF đã xây dựng các tiêu chí cho nuôi cá rô phì (Tilapia Aquaculture Dialogue – TAD) – đối tượng đầu tiên trong số 12 loài TS nuôi mà Dự án của WWF dự kiến triển khai. Từ tháng 9/2007 đến tháng 3/2010, WWF đã tổ chức 5 cuộc họp tại Việt Nam với sự tham dự của nhiều bên liên quan trong và ngoài nước (người nuôi, nhà chế biến và xuất khẩu, nhà nhập khẩu, các viện trường, cơ quan quản lý). Lý do mà WWF tổ chức các cuộc họp ở Việt Nam do chúng ta là nước đầu tiên phát triển nuôi và xuất khẩu, và là nơi qui tụ nhiều kiến thức chuyên môn về nuôi cá tra và basa.
Các tiêu chuẩn này cũng sẽ được áp dụng cho nghề nuôi cá tra ở các nước khác. Thực ra WWF sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các bên liên quan khi xây dựng các tiêu chí cho nuôi cá tra. Ví dụ WWF đã bỏ tiêu chuẩn về nguồn nưới thải từ nuôi cá tra không được vượt quá sức tải (hay còn gọi là khả năng mang – carrying capacity) của môi trường. Nhiều đại biểu Việt Nam cũng như quốc tế phản đối vì tiêu chuẩn này không khả thi trong thực tế và dễ bị suy diễn.
Do không hiểu rõ mục đích của WWF nên trong nhiều cuộc họp, các đại biểu Việt Nam đã bỏ qua các dự thảo quy chuẩn không phù hợp với điều kiện của nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL. Sau khi WWF công bố ‘Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản năm 2010’, WWF tại sáu nước châu Âu là Đức, Áo, Bỉ, Thụy Sĩ, Na Uy và Đan Mạch đã đưa cá tra và basa nuôi tại Việt Nam vào danh sách đỏ (red list) - gồm các sản phẩm không nên sử dụng. Chúng ta phải tốn nhiều công sức trong đàm phán để WWF loại bỏ cá tra và basa ra khỏi danh sách đỏ vào cùng năm. Tuy nhiên, sự kiện này cũng đã hưởng đến ‘hình ảnh’ của cá tra Việt Nam tại thị trường châu Âu lúc bấy giờ.
Không ngủ quên trên chiến thắng và theo kịp xu thế thị trường là bài học khác. Do những lợi ích to lớn về kinh tế và xã hội của việc phát triển nuôi và xuất khẩu cá tra mang lại, nhiều nước không có cá tra phân bố tự nhiên là Trung Quốc và Bangladesh cũng đã tìm cách nuôi đối tượng này. Chưa lường trước nguy cơ, một số cá nhân ở Việt Nam đã giúp doanh nghiệp của các nước trên có được con giống cũng như tiếp cận công nghệ sản xuất giống cá tra.
Do điều kiện khí hậu không thích hợp nên Trung Quốc đã không thể phát triển nuôi cá tra qui mô lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Trung Quốc sau đó đã nhập và phát triển nuôi cá trê châu Mỹ, và xuất khẩu sản phẩm phi-lê đông lạnh loài cá này sang Hoa Kỳ. Việc đẩy mạnh xuất khẩu cá trê châu Mỹ vào Hoa Kỳ của Trung Quốc cũng đã thu hẹp thị phần cá tra – sản phẩm tương tự - ở thị trường này. Khác với Trung Quốc, do điều kiện khí hậu thích hợp và giá công nhân rẻ, Bangadesh đã và đang phát triển nuôi và xuất khẩu cá tra sang châu Âu. Điều này cũng tạo ra những khó khăn nhất định cho sản phẩm cá tra Việt Nam ở thị trường này.
Ở các nước đã phát triển, do sự quan tâm của người tiêu dùng về phúc lợi động vật (hay quyền lợi động vật - animal welfare) đã dẫn đến những thay đổi trong công nghệ nuôi (không gây căng thẳng cho vật nuôi) và giết mổ (không gây đau đớn cho vật nuôi) trong sản xuất thịt gia súc và gia cầm. Quan tâm về phúc lợi động vật trong nuôi TS, trước mắt là cá, cũng đang là một xu thế ở nhiều nước đã phát triển. Trong giai đoạn đầu của phát triển nuôi cá tra với thức ăn tự chế, nhiều trang trại nuôi đã mua phế phẩm từ nhà máy chế biến cá tra về làm nguyên liệu chế biến thức ăn cho cá tra.
Vào thời ấy, điều này được đánh giá cao vì ‘khép kín’ chu trình nuôi – chế biến – nuôi cá tra. ‘Sáng kiến’ này thực ra đã vi phạm các quy định về phúc lợi động vật vì ‘bắt’ cá tra ăn thịt đồng loại. May mắn là việc này đã không lọt ra ngoài. Ngày nay ở nước ta, tuân thủ các quy định về phúc lợi động vật, bột cá tra chỉ được dùng làm nguyên liệu chế biến thức ăn cho chăn nuôi gia súc và gia cầm. Để thể hiện ý thức về tôn trọng phúc lợi động vật, một doanh nghiệp nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra đã đặt hàng cho một chuyên gia cơ khí của một trường đại học nghiên cứu và sản xuất thiết bị gây mê cá bằng điện trước khi cắt tiết và chế biến. Thiết bị này đã gây ấn tượng tốt cho các nhà nhập khẩu khi đến thăm xưởng chế biến và góp phần nâng cao thương hiệu cho doanh nghiệp này.
Ngày nay, ‘số phận’ của cá tra đã được định đoạt trong biển lớn của thị trường thế giới. Tiếc thay, do thiếu kinh nghiệm và sáng suốt của các bên liên quan đã làm cho cá tra không có được ‘số phận’ tốt đẹp hơn mà nó đáng có.