Rừng ngập mặn chở che cho nuôi thủy sản
Rừng ngập mặn như lá phổi thanh lọc môi trường nước, nguồn nước trong những vùng nuôi tôm bớt ô nhiễm hơn, thủy sản ít bị dịch bệnh, người nuôi có thu nhập ổn định….
Rừng ngập mặn hồi sinh nghề nuôi thủy sản
Theo anh Trương Xuân Đưa, Trưởng trạm Nghiên cứu, Ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp thuộc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, trước đây, việc trồng rừng ngập mặn chỉ triển khai tại Khu sinh thái Cồn Chim ở thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước, Bình Định), nay đã mở rộng thêm trên các bãi triều ven đầm Thị Nại và đầm Đề Gi theo quy hoạch trồng rừng được tỉnh phê duyệt.
Phương thức trồng rừng ngập mặn ở Bình Định là nhà nước trồng, chăm sóc cây trong 5 năm đầu, khi cây đã thành rừng sẽ giao khoán cho người dân ven đầm Thị Nại và đầm Đề Gi bảo vệ với mức khoán 300.000đ/ha/năm.
Đến nay, tổng diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn Bình Định đã có hơn 88ha rừng trồng tập trung và 1.000ha rừng trồng phân tán tại vùng đầm Thị Nại và vùng đầm Đề Gi. Riêng trong năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Bình Định trồng mới thêm 2.100 cây ngập mặn dọc các bãi triều, bờ bao ở Khu sinh thái Cồn Chim – đầm Thị Nại.
Ông Dương Văn Tường ở xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước, Bình Định) kiểm tra ao nuôi thủy sản tổng hợp của mình. Ảnh: V.Đ.T.
Khi các địa phương ven đầm Thị Nại và đầm Đề Gi xanh lại những khu rừng ngập mặn, nghề nuôi trồng thủy sản của người dân vùng hạ bạn (vùng dân cư gần biển, gần đê) hồi sinh mạnh mẽ, nhờ môi trường nước được thanh lọc trở nên tốt hơn.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hải (sinh năm 1961), nguyên Phó thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước, Bình Định) phụ trách xóm Cồn Chim, sau khi Cồn Chim phục hồi rừng ngập mặn, nghề nuôi trồng thủy sản của bà con nơi đây được hồi sinh trở lại nhờ rễ của cây rừng thanh lọc trong sạch nguồn nước nuôi.
Bây giờ, bà con không còn nuôi chuyên tôm, mà nuôi đa loài theo phương thức quảng canh cải tiến thân thiện mới môi trường. Hàng năm, qua mùa mưa lũ, ăn Tết Nguyên đán xong bà con gia cố bờ ao. Khi thời tiết ổn định thì mua tôm, cua, cá giống về thả nuôi.
“Hiện bà con Cồn Chim nuôi thủy sản trong rừng ngập mặn kiểu đánh tỉa thả bù theo hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Nuôi thủy sản tổng hợp trong rừng ngập mặn người nuôi không phải tốn tiền đầu tư nhiều, lại ít tiêu tốn thức ăn nhờ có thức ăn trong tự nhiên. Nuôi theo phương thức thuận tự nhiên nên tôm, cua, cá ít bị dịch bệnh, có thu nhập đều đều mỗi ngày.
Gia đình tôi có 2ha ao nuôi, năm nào trúng tôi thu được 300 – 400 triệu đồng/năm, năm nào thất bát cũng thu được 200 triệu đồng. Dù không có thu nhập cao như nuôi chuyên tôm thâm canh, nhưng đời sống của người dân ở đây ổn định hơn hẳn so với nuôi chuyên tôm như trước đây”, ông Hải chia sẻ.
Ông Dương Văn Tường ở xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước, Bình Định) tự ương giống cây rừng ngập mặn để trồng. Ảnh: V.Đ.T.
Theo anh Trương Xuân Đưa, từ năm 2010 đến nay, các đơn vị thuộc Sở NN-PTNT và Sở TN-MT Bình Định đã phối hợp, triển khai thực hiện nhiều chương trình như: Dự án “Nâng cấp hệ thống đê và trồng rừng ngập mặn để ứng phó với biến đổi khí hậu vùng đầm Thị Nại”; dự án “Dịch vụ hệ sinh thái tạo khả năng ứng phó với biến đổi ở TP Quy Nhơn”; Dự án “Lá chắn xanh tăng cường khả năng ứng phó của cộng đồng ven biển trước những tác động của thiên tai”; Dự án “Nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu ở TP Quy Nhơn”…
“Từ các dự án nói trên, chúng tôi phối hợp với chính quyền, bà con địa phương trồng, chăm sóc, bảo vệ, tái tạo lại rừng ngập mặn. Bên cạnh đó, đầu tháng 3 vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi ghép tổng hợp tôm – cua – cá trong ao sinh thái cây ngập mặn nước lợ cho hơn 40 hộ nuôi trồng thủy sản ven đầm Thị Nại tại 2 xã Phước Thuận và Phước Hòa (huyện Tuy Phước).
Ngư dân được hướng dẫn kỹ thuật cải tạo ao nuôi, xử lý nước trước khi thả giống; cách lựa chọn con giống đúng cách và tiêu chuẩn; kỹ thuật cho ăn, chăm sóc và quản lý ao nuôi; phòng và trị một số bệnh thường gặp trên tôm, cua, cá; kỹ thuật thay nước giúp cho cây ngập mặn phát triển phát huy chức năng lọc nước nhằm giúp người nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao nhất khi nuôi ghép nhiều đối tượng trong cùng một ao nuôi”, anh Trương Xuân Đưa cho hay.
Dưỡng rừng là giữ nghề
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực lâm nghiệp, rừng ngập mặn chịu sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố tác động, như thủy triều, nhiệt độ, thủy văn… qua mức độ ngập nước và độ mặn thích hợp. Rừng ngập mặn có vai trò chống xâm thực của thủy triều, chống biến đổi khí hậu, là nơi trú ngụ của nhiều loài động thực vật.
Theo TS Nguyễn Đình Thành, Trưởng phòng Nghiên cứu xã hội (Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế – xã hội tỉnh Bình Định), rừng ngập mặn ở Bình Định chủ yếu tập trung tại vùng đầm Thị Nại và đầm Đề Gi. Tuy nhiên, tại những vùng này do độ mặn, nhiệt độ, thể nền (bùn sét, cát bùn) ít phù hợp nên công tác trồng rừng gặp nhiều khó khăn, để rừng phát triển được là cả một nỗ lực.
Bởi vậy, Bình Định rất quan tâm công tác bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn. Nhờ đó, vài năm trở lại đây, diện tích rừng ngập mặn của Bình Định đã từng bước được phục hồi và phát triển, không chỉ giúp bảo vệ môi trường, giảm nhẹ rủi ro thiên tai mà còn tạo cảnh quan sinh thái cho phát triển du lịch, tạo sinh kế bền vững cho ngư dân.
Theo anh Võ Văn Thanh, người đang nuôi tôm xen cua – cá với diện tích 2,5ha ở thôn Bình Thới, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước, Bình Định), hiện nay hầu hết người nuôi thủy sản tổng hợp ở địa phương này đều trồng cây ngập mặn xung quanh ao nuôi để cải thiện môi trường nước. Mặc dù vậy, nỗ lực trồng rừng ngập mặn của bà con cũng gặp nhiều khó khăn, khi cây mới lên 4 – 6 lá thường bị hà ăn tróc vỏ và chết hoặc bị gió bão đánh rụng hết lá cũng tự gãy chết, trong khi trước đây trồng đâu sống đó.
Ông Dương Văn Tường ở xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước, Bình Định) ngoài nhận khoán bảo vệ 3ha rừng ngập mặn, ông còn tự ươm giống cây mắm, cây đước để trồng xung quanh bờ ao nuôi thủy sản rộng gần 3ha của gia đình.
“Không riêng gì tôi, nhiều hộ dân ở đây cũng tự ươm giống trồng rừng ngập mặn xung quanh diện tích nuôi thủy sản để chống xói lở, tạo cảnh quan xanh mát. Cứ vào khoảng tháng 4 âm lịch hàng năm là bần bắt đầu ra trái kéo dài đến đầu tháng 10, từ khi bần ra hoa đến khi trái già là 3 tháng rưỡi, lúc ấy có thể hái trái về ươm cây giống để trồng.
Ngoài bần chua và bần chát, rừng ngập mặn trên đầm Thị Nại còn trồng các loại cây mắm và cây đước. Cây mắm và cây đước vào khoảng tháng 7, tháng 8 hàng năm là mùa hái trái để ươm giống”, ông Tường chia sẻ.
Đưa tay chỉ những tán cây rừng nước mặn trồng quanh bờ ao nuôi thủy sản của mình, ông Tường tiếp tục câu chuyện: “Cây đước có rễ chùm vồng lên như cái nơm cắm sâu vô đất, rễ kiểu này là giữ bờ ngon hết biết. Những năm bão lớn, nhờ có những hàng cây đước mà bờ đất của ao nuôi tôm của tôi không bị xói lở, không bị triều cường sóng dữ đánh phá, qua mùa bão lũ tôi không phải mất chi phí gia cố lại bờ. Rễ cây ngập mặn hỗ trợ cho nghề nuôi tôm xen cua – cá dữ lắm, nhất là rễ cây mắm, cây bần, rễ của chúng thu hút nhiều loài thủy sản về trú ngụ, khi chúng lớn lên đây là khoản thu thêm của người nuôi”.
“Nuôi thủy sản tổng hợp xen tôm – cua – cá rất cần thay nước theo thủy triều, thấy nước trong ao thiếu thì khi nước thủy triều dâng phải xả bổ sung vào thêm khoảng 20-30cm nước. Ao nuôi thủy sản có nước ra vô, tạo điều kiện cho cây ngập mặn phát triển, nước bị nhốt lâu quá thì cây ngập mặn sẽ bị chết”, anh Trương Xuân Đưa, Trưởng trạm Nghiên cứu, Ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp thuộc Trung tâm Khuyến nông Bình Định cho hay.