Nuôi cá “Sông trong Ao”: Công nghệ bền vững, năng suất cao, sản phẩm sạch

catovina Tác giả catovina 27/03/2023 12 phút đọc

Tiên phong áp dụng công nghệ nuôi bền vững, đột phá

Tốt nghiệp cử nhân kinh tế ngành kỹ thuật, nhưng anh Bùi Văn Tùng không đi theo con đường đã chọn, mà rẽ hướng sang nuôi cá – thực hiện hóa sở thích cũng như những trăn trở của bản thân làm sao giúp mọi người có thể tiếp cận được với những nguồn thực phẩm sạch và đảm bảo cho sức khỏe.

Với tư duy sâu sắc và có đam mê thực sự với ngành thủy sản, ngay từ những ngày đầu quyết định đi theo con đường này, anh Tùng đã xác định muốn nâng cao chất lượng cá nuôi thì cần nuôi thâm canh, áp dụng công nghệ cao, chứ không thể áp dụng cách nuôi truyền thống vốn có. Đó cũng chính là lý do anh đặt tên cho doanh nghiệp của mình là “Công ty Xây dựng Trang trại nuôi trồng thủy sản thâm canh, ứng dụng công nghệ cao”.

Sau khi tìm hiểu những mô hình nuôi thâm canh công nghệ cao, nhận thấy IPRS là mô hình hoàn toàn phù hợp với những tiêu chí mà anh hướng tới. Được sự hỗ trợ của USSEC tại Việt Nam, anh Tùng thành công tiếp cận công nghệ mới và đưa vào áp dụng tại trang trại của mình. “Dòng chảy của công nghệ luôn có sự thay đổi và phát triển mạnh mẽ. Sông trong ao có thể đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu mà ngành thủy sản đang hướng tới”, anh Tùng chia sẻ.

IPRS duy trì sự lưu thông nước liên tục trong hệ thống bằng các đơn vị nước trắng giúp tạo dòng chảy tuần hoàn trong toàn bộ hệ thống, chống phân tầng, bổ sung oxy hòa tan trong nước, do vậy có thể nuôi cá với mật độ cao.

Trang trại nuôi cá rộng 20ha của anh Bùi Văn Tùng nằm ven con đê sông Châu Giang, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, với hệ thống ao cá được đầu tư nuôi bài bản theo mô hình áp dụng công nghệ cao, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6/2020.

Hệ thống sông trong ao của anh Tùng gồm 4 “máng” xây kiên cố bằng bê tông có thể tích 220 m3 (5m x 2m x 20m). Mỗi máng nuôi có năng suất lên tới 130 kg/m3, tương đương với khoảng 28 tấn cá thành phẩm cho mỗi chu kỳ nuôi.

Ưu điểm vượt trội

Sản xuất muốn lớn mạnh thì việc quản trị đóng một vai trò quyết định, mô hình sông trong ao đã làm được điều này. Đây cũng là yếu tố đáp ứng được liên kết chuỗi trong sản xuất. Chuẩn hóa, kích thước đồng đều, chất lượng thịt thơm ngon, truy xuất được nguồn gốc.

Trải qua quá trình vận hành, anh Tùng nhận thấy sự khác biệt, tính ưu việt rõ rệt giữa IPRS và nuôi truyền thống. Anh chia sẻ: “Mô hình IPRS giúp quản trị được sự thất thoát ngay từ khâu con giống, giải quyết được căn bản những yếu tố như: tổn thất đầu con, những yếu tố ngoại lai xâm phạm. Đồng thời, diện tích nuôi nhỏ giúp thuận lợi hơn trong quản trị và khâu chăm sóc. Điều này cũng đồng nghĩa với việc một nhân công có thể bao quát được mô hình, tiết kiệm đáng kể về chi phí lao động.

Rủi ro dịch bệnh được hạn chế tối đa. Khi có phát sinh vấn đề dịch bệnh việc xử lý cũng dễ dàng và tiết kiệm chi phí hơn, bởi cá được nuôi trong diện tích nhỏ, các yếu tố nuôi được kiểm soát một cách dễ dàng”.
Chu kỳ chăn nuôi ngắn, sản phẩm luôn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, sau thu hoạch cá cho phép thả con giống mới ngay mà không cần phải xử lý đáy ao…

Bên cạnh đó, với diện tích nuôi nhỏ, thuận lợi cho việc thu hoạch, IPRS giúp giảm được 2% chi phí đánh bắt, thu hoạch; giảm được từ 7-10% chi phí hao hụt trọng lượng cá trong khâu thu hoạch (cá bị stress). Tiêu thụ điện năng tính trên giá thành đầu con giảm nhiều so với nuôi truyền thống (sử dụng guồng quạt).

Đặc biệt, các được nuôi theo mô hình IPRS đem lại chất lượng vượt trội. Môi sinh cá luôn tiếp xúc với lượng oxy tươi mới, cá không bị stress, thường xuyên vận động -> biến đổi cơ tính, không tiếp xúc với bùn, đáy. Tất cả những yếu tố trên giúp chất lượng cá có sự khác biệt vượt trội so với nuôi thông thường. Thịt cá thơm ngon, chắc thịt và đặc biệt không có mùi tanh.

“Cá rô phi nuôi ở ao, bùn thải nhiều sẽ khiến cá hình thành lớp màng đen ở khoang bụng, khiến cá có mùi tanh. Đó là một trong những lý do cản trở việc xuất khẩu cá rô phi Việt Nam sang thị trường quốc tế. Cá nuôi theo mô hình sông trong ao không xuất hiện màng đen, thịt thơm, chắc”, anh Tùng chia sẻ thêm.

Cho đến bây giờ, mô hình nuôi cá sông trong ao theo hướng bền vững của anh Tùng vẫn đang là mô hình đầu tiên áp dụng bài bản và vận hành tốt nhất tại miền Bắc nói riêng cũng như cả nước nói chung, thường xuyên được người nuôi trồng thủy sản các nơi đến tham quan, học hỏi.

Cần được biết tới nhiều hơn nữa…

IPRS là công nghệ làm giàu, cần có tiềm lực và hướng đi rõ ràng. Người nuôi cần hiểu được chi phí đầu tư ban đầu và đầu tư vận hành của mô hình lớn. Chính vì vậy, khi chia sẻ công nghệ này đến với người nuôi trồng thủy sản, đội ngũ USSEC cũng gặp phải không ít những khó khăn. Để áp dụng được công nghệ nuôi sông trong ao, người nuôi không những cần có tiềm lực về kinh tế, mà còn cần có kiến thức, kinh nghiệm để có thể vận hành, áp dụng công nghệ một cách triệt để và đem lại hiệu quả cao.

Chia sẻ về những khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ với người nuôi trồng thủy sản, TS. Bùi Ngọc Thanh, Giám đốc kỹ thuật, đại diện khu vực miền Bắc và miền Trung – USSEC cho biết: “Hiện tại, mô hình IPRS đang gặp trở ngại về vốn đầu tư ban đầu và đầu tư cho vận hành. Vì hầu hết hộ dân là nông dân nuôi cá, khó khăn trong điều kiện kinh tế để có thể đầu tư dài hạn. Rất nhiều người sau khi nghe giới thiệu về công nghệ đều rất muốn áp dụng, nhưng khi đi sâu vào chi phí, người nuôi rất đắn đo.

Đặc biệt, một số người mạnh dạn đầu tư, nhưng chưa đúng mức do điều kiện tài chính không đủ. Điều này dẫn đến xu hướng cắt bớt một số khâu/yếu tố khiến mô hình vận hành không đúng nguyên lý, do vậy không đạt được hiệu quả như mong muốn. Sông trong Ao phù hợp hơn cho những trang trại quy mô lớn, hướng tới sản xuất hàng hóa, đề cao chất lượng sản phẩm và tính bền vững môi trường”.

Chi phí đầu tư và vận hành lớn, nhưng năng suất cao, chính vì vậy chi phí trên từng đơn vị là rất nhỏ

Công nghệ sông trong ao được coi là nền tảng giúp chúng ta bước chân được vào những thị trường tiêu thụ khó tính và tiềm năng. Thực chất, đối với tiêu dùng nội địa, Việt Nam có nhiều điều kiện sản xuất thủy sản nhưng chúng ta chưa thiết lập được kênh tiêu thụ. Để làm được điều này thì ngành nuôi trồng thủy sản cần có một nền tảng để phát triển. IPRS là một nhân tố thúc đẩy, tạo đà cho sự phát triển của ngành thủy sản Việt Nam.

catovina
Tác giả catovina Admin
Bài viết trước Rừng ngập mặn chở che cho nuôi thủy sản

Rừng ngập mặn chở che cho nuôi thủy sản

Bài viết tiếp theo

Nhận Biết Tôm Thiếu hoặc Đủ Mồi: Dấu Hiệu và Biện Pháp Điều Chỉnh

Nhận Biết Tôm Thiếu hoặc Đủ Mồi: Dấu Hiệu và Biện Pháp Điều Chỉnh
Viết bình luận
Thêm bình luận

Bài viết liên quan

Thông báo