Soán ngôi Mỹ, Nhật Bản trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản số 1 của Việt Nam

catovina Tác giả catovina 25/04/2023 9 phút đọc

Với kim ngạch xuất khẩu (XK) đạt 283 triệu USD, giảm 51% trong quý 1/2023, Mỹ không còn là thị trường thủy sản số 1 của Việt Nam, Nhật Bản đã vượt Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam.

xuat-khau-thuy-san


Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), kinh tế Mỹ bất ổn, giá xăng dầu và giá điện đã hạ, nhưng giá thực phẩm vẫn cao. Người dân Mỹ, nhất là tầng lớp thu nhập thấp đã phải thay đổi khẩu phần ăn và các kênh mua thực phẩm. Đã xuất hiện xu hướng nhiều người tiêu dùng cân nhắc chọn thịt gà, thịt bò hoặc thịt lợn để thay cho thủy sản. Các cửa hàng tạp hóa có các chương trình hạ giá thường có tiêu thụ tốt hơn các kênh siêu thị lớn. Ngày càng nhiều người dân lựa chọn phương thức mua thực phẩm về nhà tự nấu để tiết kiệm chi tiêu.
Diễn biến của thị trường lớn nhất đã tác động mạnh đến kết quả XK thủy sản Việt Nam và tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Với 283 triệu USD, giảm 51% trong quý 1/2023, Mỹ không còn là thị trường thủy sản số 1 của Việt Nam.

Tuy nhiên, Nhật Bản đã vượt Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam, mặc dù XK sang thị trường này giảm 7%, đạt trên 322 triệu USD trong quý 1/2023.

Cơ cấu thủy sản XK sang Nhật Bản đang nghiêng nhiều về các mặt hàng hải sản như mực, cá nục, cá minh thái, cá ngừ, cá song.

Nhật Bản là thị trường tiêu thụ hải sản lớn nhất của Việt Nam hiện nay, chủ yếu ở phân khúc cá biển, trong đó có phần đáng kể cá nguyên liệu nhập khẩu từ Nhật về Việt Nam gia công XK trở lại nước này. Do đó, XK hải sản sang Nhật tăng 10%. Trong khi XK các sản phẩm hải sản sang các thị trường lớn khác là Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc, EU đều giảm từ 6% – 45%…

Trung Quốc mở cửa thị trường là sự trông đợi của doanh nghiệp thủy sản, hy vọng bù đắp sự sụt giảm của các thị trường lớn khác. Hai tháng đầu năm nay, nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc từ các nước tăng 32% đạt trên 560 nghìn tấn, với giá trị trên 2,7 tỷ USD, tăng 20%. Như vậy, nhu cầu tiêu thụ rõ ràng đang tăng lên nhưng giá nhập khẩu vào thị trường này giảm đã ảnh hưởng đến doanh số của Việt Nam. Riêng cá tra, trong 2 tháng đầu năm nay, Trung Quốc nhập khẩu 18,4 nghìn tấn với giá trung bình 2,15 USD/kg, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2022.

Do vậy, tới hết quý 1 năm nay, XK thủy sản của Việt Nam sang thị trường này vẫn thấp hơn 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường EU cũng giảm 29% giá trị nhập khẩu thủy sản Việt Nam trong quý 1, chỉ đạt 210 triệu USD. XK tôm và các sản phẩm hải sản sang EU đều giảm từ 7 – 50%, riêng XK cá tra ổn định hơn, nhờ tăng XK sang thị trường Đức.

XK sang top 5 thị trường lớn nhất trong khối EU gồm Đức, Hà Lan, Bỉ, Italy và Tây Ban Nha đều giảm từ 4-44% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhiều thị trường nhỏ, đặc biệt các nước thuộc khu vực Đông Âu vẫn tăng nhập khẩu thủy sản Việt Nam, nhất là sản phẩm cá tra. Cụ thể, XK thủy sản sang Ba Lan tăng 49%, sang Lithuania tăng 29%, sang Phần Lan tăng gấp gần 4 lần, sang Rumani tăng 17%…

Quý 1 năm nay, hầu hết các doanh nghiệp XK tôm, cá tra đều bị sụt giảm mạnh về giá trị XK do khó khăn về thị trường và áp lực chi phí đầu vào quá cao của ngành tôm, cá tra: giá thức ăn, con giống…dẫn đến giá nguyên liệu cao. Đặc biệt, những doanh nghiệp có thị trường truyền thống và chủ lực là Mỹ bị tác động giảm nhiều nhất …

Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp chế biến và XK hải sản cũng khó khăn vì thiếu nguyên liệu trong nước và lại thêm khó về thị trường EU nên nhiều doanh nghiệp bị sụt giảm doanh số. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn có doanh thu cao hơn so với cùng kỳ nhờ đẩy mạnh hoạt động chế biến gia công các mặt hàng hải sản khai thác, nhất là các loài cá biển.

Về thị trường xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết đối tác thương mại lớn của Việt Nam trong quý 1 đều giảm. Đánh giá về nguyên nhân sụt giảm xuất khẩu của nhiều ngành hàng, Bộ Công Thương đã chỉ ra mấy yếu tố cơ bản. Theo đó, giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước.

Yếu tố nữa là lạm phát vẫn còn ở mức cao, chính sách tiền tệ vẫn chưa nới lỏng; kinh tế thế giới hồi phục chậm và sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới có tác động nhất định đến xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường, xa xỉ tại một số thị trường lớn như Mỹ, EU, khiến nhu cầu nhập khẩu giảm. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam.

Cùng với những yếu tố bên ngoài, doanh nghiệp trong nước hiện rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao. Đặc biệt, các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp chế biến đang thiếu đơn hàng trầm trọng, khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm.

Theo dự báo của VASEP, bức tranh XK thủy sản có thể sáng dần lên trong quý 2 và kỳ vọng sẽ phục hồi tốt hơn từ quý 3 khi thị trường Trung Quốc có sự khởi sắc rõ nét hơn và các doanh nghiệp thủy sản có sự điều chỉnh cơ cấu sản phẩm và thị trường phù hợp bối cảnh năm 2023.

Nguồn: Haiquanonline

catovina
Tác giả catovina Admin
Bài viết trước EMS: Phòng ngừa là chìa khóa giải quyết vấn đề

EMS: Phòng ngừa là chìa khóa giải quyết vấn đề

Bài viết tiếp theo

Tối Ưu Hóa Độ Sâu Nước: Chiến Lược Để Cải Thiện Chất Lượng Nước Trong Ao Tôm

Tối Ưu Hóa Độ Sâu Nước: Chiến Lược Để Cải Thiện Chất Lượng Nước Trong Ao Tôm
Viết bình luận
Thêm bình luận
Popup image default

Bài viết liên quan

Thông báo