Ao Tôm Bị Nhớt - Nguyên Nhân Và Hướng Xử Lý

catovina Tác giả catovina 25/04/2023 6 phút đọc

Nhớt bạt là hiện tượng thường gặp ở các ao nuôi lót bạt do đạm trong thức ăn hòa tan, mùn bã hữu cơ (phân tôm, xác tảo…), phân thuốc dinh dưỡng… tích tụ trong nước lâu ngày gây nên. Ao nuôi bị nhớt bạt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, nấm và rong tảo phát triển dưới tầng đáy, gây bất lợi cho sự sinh trưởng của con tôm.

[Xử lý nhớt ao bạt] H1_ Ao lót bạt thường bị nhớt

Với xu hướng nuôi tôm chân trắng mật độ cao hiện nay, ao lót bạt là một lựa chọn phổ biến của người nuôi tôm vì nó khắc phục được nhiều nhược điểm của ao truyền thống như nhiễm phèn, nền đáy nhiễm bệnh từ vụ trước, thất thoát nước… đồng thời giúp rút ngắn thời gian vệ sinh đáy ao và hạn chế sự xói mòn, rửa trôi đất bờ xuống ao nuôi. Tuy nhiên, các ao lót bạt cũng gặp không ít vấn đề cần xử lý, trong đó có sự xuất hiện của nhớt bạt.

1. Nguyên nhân hình thành nhớt bạt

Trong quá trình nuôi, đạm từ thức ăn hòa tan, cũng như từ mùn bã hữu cơ (phân tôm, xác tảo) và các loại phân thuốc, chất dinh dưỡng… sẽ tích tụ dần trong nước và chuyển hóa thành lớp màng nhầy bám trên bạt. Lớp màng nhầy này, nếu không được vệ sinh, xử lý vi sinh định kỳ, sẽ dày lên và gây ra hiện tượng nhớt bạt.

2. Tác hại của nhớt bạt

Bản thân nhớt bạt không trực tiếp gây hại, nhưng khi kết hợp với các yếu tố môi trường khác, nó sẽ làm biến động hệ sinh thái ao nuôi và ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng của con tôm, cụ thể như:

  • Nhớt bạt trở thành lớp màng sinh học, tạo điều kiện cho các loài vi khuẩn, virus và nấm có hại sinh trưởng và tiến hóa bên trong nó. Nhớt này, khi tôm ăn vào sẽ dễ nhiễm bệnh, đặc biệt là các bệnh về đường ruột;
  • Nhớt bạt tạo điều kiện cho các loại rong tảo phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là ở các ao nước quá trong hoặc mực nước quá nông khiến ánh sáng mặt trời có thể xuyên tới đáy. Rong tảo phát triển mạnh sẽ cạnh tranh dinh dưỡng với vi tảo, gây biến động mạnh môi trường pH và sụt giảm oxy hòa tan về đêm, đồng thời giảm phạm vi bắt mồi của tôm;
  • Tạo môi trường yếm khí, khiến các chất thải hữu cơ phân hủy và chuyển hóa thành các dạng khí độc (NH3, H2S, NO2-) gây hại cho tôm nuôi.

3. Hạn chế và xử lý nhớt bạt

Nhớt bạt hình thành do đạm, thế nên cách phòng ngừa hữu hiệu nhất là quản lý tốt chế độ ăn cho tôm, hạn chế lượng thức ăn dư thừa, cũng như các chất dinh dưỡng, phân thuốc tích tụ trong nước. Đồng thời phải định kỳ xi-phông đáy ao, kết hợp sử dụng 7-10 ngày/lần chế phẩm vi sinh xử lý đáy với liều lượng 1kg/2000-2500m3, tạt vào lúc 1-2 giờ sáng, hoặc 4-5 giờ chiều để phân hủy mùn bã hữu cơ trong ao.

Với ao nuôi bị nhớt, ngoài việc dùng men vi sinh để xử lý, có thể chà bạt theo cách thủ công để tạm thời dọn sạch nhớt bạt. Tuy nhiên, nên hạn chế sử dụng biện pháp này vì có nguy cơ gây ô nhiễm ngược vào ao nuôi, hoặc có thể gây thủng bạt nếu không cẩn thận.

catovina
Tác giả catovina Admin
Bài viết trước Bệnh Đầu Vàng Trên Tôm

Bệnh Đầu Vàng Trên Tôm

Bài viết tiếp theo

Quản Lý Ao Tôm Nước Lợ Trong Mùa Mưa

Quản Lý Ao Tôm Nước Lợ Trong Mùa Mưa
Viết bình luận
Thêm bình luận
Popup image default

Bài viết liên quan

Thông báo