Tôm nguyên liệu giảm giá, thương lái “giám định miệng” để ép người nuôi
Tự đưa ra kết luận tôm có chất bảo quản vượt quy định, nhiều thương lái tại tỉnh Bạc Liêu ép giá người nuôi.
Thu hoạch tôm tại Bạc Liêu, nếu vào các HTX, tổ hợp tác người nuôi không sợ bị thương lái ép giá. Ảnh: Nhật Hồ
“Giám định miệng” để ép giá
Ông Phạm Văn Chu ở ấp Biển Tây A, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu rất bức xúc khi giá tôm xuống thấp còn bị thương lái ép giá.
Ông Chu cho biết, thương lái đến lấy mẫu tôm trước khi thu mua. Khi lấy đến lần thứ 3 thì phía thương lái thông báo tôm của ông có sử dụng thức ăn chứa chất bảo quản với hàm lượng cao. Muốn bán thì giá phải thấp hơn các nơi khác.
Tuy nhiên, thương lái chỉ thông báo miệng chứ không đưa ra bất kỳ kết quả xét nghiệm của cơ quan chức năng để chứng minh trong tôm có chất bảo quản.
Nhiều người dân phản ánh, thương lái ép giá bằng cách nói (không có văn bản) tôm có chất bảo quản trong thức ăn nhằm hạ giá. Ảnh: Nhật Hồ
Không chỉ riêng ông Chu, tình trạng này đang xảy ra tại nhiều hộ nuôi trong xã và tại huyện Đông Hải.
Theo đó, các thương lái chỉ mua tôm nếu hộ nuôi đồng ý giảm giá từ 3.000 – 5.000 đồng/kg. Các hộ nuôi tôm trên địa bàn xã cũng đã liên hệ với phía công ty bán thức ăn thì được cam kết hàm lượng chất bảo quản rất thấp theo quy định của Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn.
Được biết, giá tôm nguyên liệu thời gian gần đây liên tiếp giảm. Tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg còn 70.000 đến 80.000 đồng/kg, giảm 20.000 đồng/kg so với đầu năm. Với giá này nhiều người nuôi khó có lãi.
Trước tình trạng này, thành phố Bạc Liêu đã chỉ đạo Phòng Kinh tế Hạ tầng kiểm tra chấn chỉnh việc mua bán tôm nguyên liệu giữa người dân với thương lái. Tuy nhiên, việc làm của các thương lái rất khó xử lý, bởi không có văn bản và việc mua bán theo thỏa thuận, không ràng buộc hợp đồng kinh tế.
Thu hoạch tôm tại tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Hồ
Liên kết để tránh rủi ro
Để giảm thiểu việc mua bán không thông qua hợp đồng tránh rủi ro cho người dân, Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu Lưu Hoàng Ly cho biết, về lâu dài cần liên kết sản xuất, thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX).
Hiện trên tỉnh Bạc Liêu hiện có 210 HTX; trong đó 68 HTX nuôi trồng thủy sản, riêng HTX nuôi tôm công nghệ cao có 6 HTX với diện tích nuôi tôm công nghệ cao trên 500 ha, thu hút trên 150 hộ thành viên tham gia sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của HTX.
Bạc Liêu được xem là thủ phủ tôm của cả nước, tuy vậy, các HTX trong lĩnh vực nuôi tôm tại tỉnh Bạc Liêu chiếm chưa tới 5% diện tích nuôi tôm theo mô hình thâm canh, bán thâm canh.
Tỉnh Bạc Liêu đã đề ra mục tiêu giai đoạn 2022 – 2025 “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho trên 30% sản lượng sản phẩm nuôi trồng thủy sản, 50% sản phẩm nuôi trồng thủy sản truy xuất được nguồn gốc.
Giai đoạn 2026 – 2030, duy trì tăng trưởng và nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng; giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm thủy sản đạt 1,5 tỉ USD, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho trên 40% sản lượng sản phẩm nuôi trồng thủy sản, 70% sản phẩm nuôi trồng thủy sản truy xuất được nguồn gốc.
Nhật Hồ
Báo Lao Động