Ao Nuôi Bị Đục Nước - Nguyên Nhân Và Hướng Xử Lý

catovina Tác giả catovina 25/04/2023 8 phút đọc

Nước ao bị đục có thể gây bất lợi cho sự sinh trưởng của con tôm nói riêng và môi trường ao nói chung vì không chỉ cản trở tôm hô hấp và bắt mồi, nước đục còn hạn chế ánh sáng mặt trời đi vào ao, dẫn đến giảm lượng oxy và ức chế sự phát triển cần thiết của quần thể sinh vật phù du.

Trong nuôi tôm thẻ chân trắng, độ trong của nước là một trong những chỉ tiêu môi trường cần được theo dõi và quản lý thường xuyên. Nếu độ trong quá cao là biểu hiện của ao thiếu dinh dưỡng (thiếu sinh vật phù du), thì độ trong quá thấp, nghĩa là nước bị đục, cũng báo hiệu môi trường ao nuôi đang có vấn đề và gây hại đến sự sinh trưởng của tôm nuôi.

[Ao nuôi bị đục nước] H1_ Nước bị đục do chứa các vật chất lơ lửng

Nguyên nhân gây đục nước là do sự hiện diện của các hạt lơ lửng với số lượng khác nhau, cụ thể là:

1. Đục do khoáng chất

Nước đục do khoáng chất thường có màu nâu nhạt, đôi khi hơi đỏ vì chứa hàm lượng lớn phù sa và/hoặc sét. Hiện tượng này xảy ra chủ yếu do không xử lý tốt nguồn nước cấp; hoặc ở các ao không lót bạt nên khi mưa lớn kéo dài sẽ khiến đất ở bờ bị sạt lở, rửa trôi và hòa vào nước ao.

Không chỉ cản trở quá trình quang hợp, ao bị đục do chứa nhiều khoáng chất còn có thể trực tiếp gây tổn thương các cơ quan hô hấp của tôm. Nên chủ động phòng tránh tình trạng này bằng cách thiết kế ao lắng và hệ thống cấp nước hợp lý để xử lý kỹ nguồn nước cấp vào ao; đồng thời cải tạo, đầm chặt bờ và che phủ đúng cách bằng thảm thực vật hoặc lót bạt.

Để xử lý nước đục do khoáng chất, bà con có thể dùng rơm rạ hoặc bột hạt bông, tuy nhiên nên hạn chế vì các chất hữu cơ này khi phân hủy có thể làm giảm lượng oxy hòa tan trong nước, đồng thời tăng lượng mùn bã dưới đáy ao. Ngoài ra, có thể sử dụng phèn nhôm hoặc thạch cao tùy vào mức độ đục và điều kiện nước ao nuôi (độ cứng, độ pH, độ kiềm).

2. Đục do mùn

Mùn là các bùn bã hữu cơ hình thành từ quá trình phân giải không hoàn toàn trong điều kiện yếm khí các hợp chất hữu cơ (thức ăn dư thừa, xác tảo, phân tôm…) và thường tích tụ dưới đáy ao trong quá trình nuôi. Do tôm hoạt động nhiều dưới đáy, do quạt nước không đúng cách, do thiết kế ao không hợp lý, do lượng chất hữu cơ dư thừa tích lũy quá nhiều… hoặc do nhiều nguyên nhân kết hợp mà lượng mùn bã này bị khuấy lên, trôi nổi và khiến nước ao bị đục (thường có màu nâu sẫm).

Để chủ động phòng tránh, trước hết bà con cần xử lý tốt nguồn nước cấp và thiết kế ao hợp lý để mùn bã tập trung vào một điểm. Sau nữa, cần kiểm soát vi tảo và quản lý tốt chế độ ăn để hạn chế lượng thức ăn dư thừa tích tụ trong ao nuôi. Quan trọng nhất là cần định kỳ xi-phông, vệ sinh đáy ao kết hợp với sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý đáy, nước (7-10 ngày/lần) để phân hủy lượng mùn bã hữu cơ trong nước, đồng thời cung cấp nhiều loại men hữu ích giúp cải thiện môi trường sống cho tôm.

3. Đục do sinh vật phù du

Sinh vật phù du là nguồn thức ăn tự nhiên quan trọng đối với tôm, đặc biệt trong tháng đầu thả giống. Tuy nhiên, qua thời gian nuôi, lượng sinh vật phù du này, đặc biệt là vi tảo, sẽ phát triển ngày càng dày hơn và có thể gây tình trạng đục nước nếu không được kiểm soát tốt. 

Nước bị đục do sinh vật phù du thì khó xử lý hơn so với đục do khoáng chất hay do mùn vì nếu xử lý không tốt có thể xảy ra hiện tượng sụp tảo hay tảo nở hoa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con tôm nói riêng và hệ sinh thái ao nói chung. Chi tiết hơn, bà con có thể tham khảo bài Vai trò của thực vật phù du trong ao nuôi để hiểu và có hướng xử lý.

[Ao nuôi bị đục nước] H2_ Thiết kế và quản lý tốt hệ thống ao nuôi

Trong nuôi tôm thẻ chân trắng, độ đục nước ao thích hợp nên ở mức 20-50 cm (tùy từng điều kiện cụ thể). Có thể kiểm tra độ đục ao nuôi bằng nhiều cách khác nhau như: kiểm tra trực quan, kiểm tra bằng đĩa Secchi, xét nghiệm hàm lượng tổng chất rắn lơ lửng (TSS), nhưng tốt nhất nên thực hiện vào lúc gió lặng, trời quang, chọn vị trí hợp lý và tránh động nước quá mức để có kết quả chính xác nhất.

catovina
Tác giả catovina Admin
Bài viết trước Tôm "Chết Cục Thịt" – Bệnh Lý Hay Hiện Tượng?

Tôm "Chết Cục Thịt" – Bệnh Lý Hay Hiện Tượng?

Bài viết tiếp theo

Nhận Biết Tôm Thiếu hoặc Đủ Mồi: Dấu Hiệu và Biện Pháp Điều Chỉnh

Nhận Biết Tôm Thiếu hoặc Đủ Mồi: Dấu Hiệu và Biện Pháp Điều Chỉnh
Viết bình luận
Thêm bình luận

Bài viết liên quan

Thông báo