NĂM 2023: DỒN LỰC CHO PHÁT TRIỂN CON TÔM
🔘 Tạo đột phá cho con tôm
- Năm 2022, tuy còn ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 trước đó, nhưng thế mạnh này vẫn tăng trưởng và góp phần cho tổng sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản đạt 460.960 tấn (trong đó, con tôm chiếm 234.730 tấn).
- Tuy nhiên, nhìn trên tổng thể thì ngành NTTS tăng trưởng chưa nhiều và chưa khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vốn có, nhất là chưa tạo được những đột phá trong thực hiện mục tiêu xây dựng Bạc Liêu trở thành thủ phủ ngành công nghiệp tôm của cả nước. Trong đó, các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) và mô hình nuôi tôm siêu thâm canh chưa lan tỏa mạnh để tạo ra những sức bật mới, nhất là về sản lượng. Cả năm 2022, toàn tỉnh chỉ có 25 công ty, đơn vị và 818 hộ dân đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh và nuôi tôm 2 giai đoạn. Trong khi đó, diện tích thả giống cho các mô hình nuôi tôm này chỉ chiếm trên 4.600ha so với tổng diện tích NTTS cả tỉnh trên 145.450ha.
-Nếu diện tích nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh được tăng lên thì chắc chắn sẽ tạo ra một sản lượng không nhỏ và góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Bởi thời gian qua, các mô hình này đã tạo nên những đột phá về sản lượng và cả lợi nhuận cho người nuôi tôm. Cụ thể, với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong bể tròn nổi 500m3 (3 vụ/năm) cho năng suất bình quân 17,86 tấn/ha và cho tổng doanh thu trên 3,2 tỷ đồng/ha/năm, trừ chi phí 1,5 tỷ đồng/ha/năm, mang lại lợi nhuận cho người nuôi trên 1,7 tỷ đồng/ha/năm (tính giá tôm thương phẩm 180.000 đồng/kg và cỡ tôm 25 – 30 con/kg). Hay mô hình nuôi tôm trong ao đất trải bạt (diện tích 1.000m3/bể và 1ha bố trí 2 ao nuôi) cũng cho năng suất đạt trên 15 tấn/ha/2 vụ/năm và cho tổng doanh thu trên 2,7 tỷ đồng/ha/năm, sau khi trừ chi phí gần 1,5 tỷ đồng, mang lại lợi nhuận cho người nuôi gần 1,3 tỷ đồng/ha/năm (tính giá tôm thương phẩm 180.000 đồng/kg và cỡ tôm 25 – 30 con/kg)…
🔘 Phấn đấu tăng trưởng thêm 10%
-Với việc mở rộng diện tích nuôi tôm ƯDCNC cũng đặt ra nhiều thách thức cho phát triển bền vững, nhất là trong điều kiện hạ tầng phục vụ phát triển con tôm (điện, thủy lợi, giao thông) còn yếu và thiếu như hiện nay. Trong đó, vấn đề ô nhiễm về môi trường đã đến lúc phải cảnh báo. Năm 2022, diện tích NTTS của tỉnh bị hiệt hại 5.800ha và qua phân tích của ngành Nông nghiệp, nguyên nhân bị thiệt hại do môi trường, thời tiết chiếm đến 36%. Do vậy, ngành Nông nghiệp, ngành Tài nguyên – Môi trường và các địa phương cần thiết phải có giải pháp ứng phó.
-Bên cạnh đó, sẽ tăng cường đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng phục vụ NTTS, nhất là Khu nông nghiệp ƯDCNC phát triển tôm Bạc Liêu (giai đoạn 2); các vùng nuôi tôm siêu thâm canh theo quy trình khép kín trong nhà kín, nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, nuôi trong nhà lưới, nhà màng. Xúc tiến xây dựng vùng sản xuất giống thủy sản ƯDCNC; đầu tư các công trình thuộc Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững và Kế hoạch hành động phát triển ngành tôm đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
-Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh ƯDCNC đạt 2.000ha và có trên 30% diện tích NTTS được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm; sản lượng tôm nuôi đạt 70.000 tấn và tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản bình quân từ 3,5 – 4%/năm; giá trị gia tăng cho các sản phẩm chế biến tăng bình quân từ 3,3 – 3,8%/năm.
-Để hoàn thành mục tiêu trên, huyện sẽ tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành tôm và xem đây là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu. Đó là tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ con giống, vật tư đầu vào, nuôi tôm thương phẩm đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ và các hợp tác xã đóng vai trò hạt nhân trong liên kết.
-Để khai thác và phát huy thế mạnh từ con tôm, huyện Đông Hải đã quy hoạch, đầu tư để các xã phía Đông phát triển thành vùng sản xuất tập trung về nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh và các xã phía Tây là vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến và nuôi theo các mô hình sản xuất kết hợp theo hướng bền vững, chất lượng cao. Đến nay, tổng diện tích NTTS của huyện trên 39.500ha; tuy nhiên, việc quản lý môi trường trong nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh hiện nay gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với mô hình nuôi siêu thâm canh.
-Để bảo vệ môi trường sản xuất, huyện đã thành lập Tổ kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn huyện. Trong năm 2022, huyện đã tiến hành 11 lượt kiểm tra, giám sát và đã đề nghị các tổ chức, cá nhân cam kết chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường. Qua đó, phối hợp với các ngành chức năng tỉnh, huyện xử lý vi phạm hành chính 3 trường hợp xả thải gây ô nhiễm môi trường (mô hình siêu thâm canh với số tiền 11 triệu đồng tại xã Long Điền Đông). Đồng thời, cho ký cam kết thực hiện bảo vệ môi trường đối với 95 hộ nuôi còn lại trên địa bàn huyện để họ xây dựng hệ thống xử lý nước thải, không gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến các hộ NTTS xung quanh.
-Về định hướng phát triển lâu dài và đảm bảo cho phát triển bền vững, năm 2023 này, huyện Đông Hải sẽ quy hoạch các vùng nuôi tôm tập trung để xử lý môi trường một cách triệt để. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong quá trình nuôi để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giảm thiểu chi phí sản xuất.
-Cùng với đó là tổ chức rà soát, quy hoạch tổng thể hệ thống điện và hệ thống thủy lợi cho vùng nuôi tôm siêu thâm canh, nhằm đảm bảo đủ nguồn điện, kiểm soát được độ mặn của nước và các chỉ tiêu chất lượng nguồn nước cho vùng nuôi. Cũng như tổ chức kiểm tra hệ thống sản xuất và phân phối con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, vật tư phục vụ nuôi tôm trên địa bàn huyện; kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại các vùng nuôi tôm tập trung; giám sát chặt chẽ nguồn nước cấp, nước thải của các cơ sở, hộ nuôi tôm.
-Bên cạnh đó, phát huy mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi tôm siêu thâm canh. Thu hút các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp đầu tư, phát triển mô hình siêu thâm canh, thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị. Tiếp tục tổ chức triển khai kế hoạch cấp mã số xác nhận cho cơ sở nuôi các đối tượng chủ lực theo quy định tại Luật Thủy sản năm 2017 trên địa bàn huyện và phấn đấu cuối năm 2023 đạt theo kế hoạch của tỉnh giao…
Nguồn tin: Báo Bạc Liêu (K.T thực hiện)