3 Loại thảo dược và cách dùng hiệu quả trị bệnh phân trắng trong nuôi tôm
Hội chứng phân trắng (WFS) là bệnh phổ biến trong nuôi tôm. Hiện nay, có rất nhiều bài thuốc, phương pháp trị bệnh này, nhưng đâu là giải pháp hiệu quả, lợi ích bền vững.
Người nuôi tôm cũng đang truyền tay nhau một số loại Thảo dược có thể phòng ngừa bệnh và hỗ trợ điều trị phân trắng trên tôm như: chanh vàng, tỏi, gừng, đậu mười…. Tất cả các thảo dược trên đều có khả năng bảo vệ gan, thúc đẩy tăng trưởng, chống oxy hóa và can thiệp vào quá trình chuyển hóa của vi khuẩn, ký sinh trùng trong ao nuôi tôm.
Tuy nhiên, liệu chúng ta đã hiểu rõ về cách dùng như thế nào cho đúng và phù hợp với ao nuôi của mình?
Trong bài này, chúng tôi sẽ chia sẻ kỹ 3 loại thảo dược và cách dùng hiệu quả trị bệnh phân trắng đến quý bà con nuôi:
1. Tỏi tươi
Tỏi được biết đến như một thực phẩm kháng sinh tự nhiên và có rất nhiều tác dụng trong điều trị nhiều loại bệnh. Mỗi ngày, chúng ta đều có thể chế biến rất nhiều thức ăn đều có sự góp mặt của tỏi. Ngày nay, tỏi không chỉ sử dụng để làm thực phẩm, mà còn được ứng dụng để điều chế ra nhiều bài thuốc thảo dược thiên nhiên phòng hoặc trị các bệnh cho tôm nuôi, nhằm tăng sức đề kháng và giúp tôm khoẻ mạnh đạt năng suất chất lượng cao.
Tỏi không những giàu vitamin B1, B2, B3, B6, folate, vitamin C, canxi, sắt, magie, mangan, phosphor, kali, natri, kẽm… mà còn chống lại nhiều loại virus, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng nhờ vào các hoạt chất như alliin, ahoin, allicin và allistain. Chiết xuất tỏi già còn có tác dụng kháng khuẩn và bảo vệ gan ở tôm.
Tôm nuôi dễ bị phân trắng bởi các ảnh hưởng từ yếu tố bên ngoài, để giảm thiệt hại nhiều bà con đã sử dụng thuốc kháng sinh và các loại men vi sinh để cải tạo nguồn nước và kích thích đường ruột con tôm. Song song đó có một số hộ nông dân đã dùng tỏi phòng ngừa phân trắng cho tôm, cũng đạt hiệu quả khá cao.
Phương pháp này được rất nhiều bà con nuôi tôm tin dùng vì rất dễ dàng điều chế và sử dụng, giá thành nguyên liệu rẻ giúp bà con giảm bớt được một khoảng chi phí.
Phương pháp sử dụng chất bổ trợ vào thức ăn cho tôm:
Có rất nhiều biện pháp phòng và xử lý bệnh phân trắng trên tôm bằng tỏi. Những biện pháp được nêu đã được rất nhiều hộ nuôi tôm trong và ngoài nước áp dụng thành công. Bà con có thể tham khảo những công thức sau tuỳ vào điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng miền khác nhau.
Phương pháp 1:
- Sử dụng bột tỏi tươi hoặc bột đã tỏi đã chế biến sẵn (10-30g/kg thức ăn)
- Allicin và Vitamin C (2kg/kg thức ăn)
Phương pháp 2:
- Trộn đều 80g Bột tỏi tươi + 5ppm Thuốc tím (KMnO4) và phun đều vào 1kg thức ăn cho tôm.
Phương pháp 3:
- Dùng 20g tỏi nghiền nát được trộn với 50 ml chất kết dính thức ăn, sau đó trộn với 1 kg thức ăn. Để khô trong 30 phút ở nơi ít ánh sáng trước khi cho ăn.
2. Điều trị dứt điểm bằng hỗn hợp thần dược Cỏ Lào và Cây phèn đen
Cây phèn đen Cây cỏ lào
Cây phèn đen còn gọi là Cây mực, diệp hạ chậu. Phèn đen là một loại cây quý được người dân sử dụng như một bài thuốc trị nhiều căn bệnh.
Cây Cỏ Lào còn được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau tùy theo từng vùng miền. Chẳng hạn như cây ba bớp, cây lốp bốp, cây yến bạch, cây cộng sản, cây phân xanh….
2 Loại thảo dược này đạt đến trạng thái nào mới có thể sử dụng?
- Cây cỏ lào: Khi cây cỏ lào ra hoa sẽ làm giảm dược lý của thảo dược. Do đó, bà con chú ý nên chọn những cây chưa ra hoa và chỉ lấy phần lá của cây.
- Cây phèn đen: Ngoài lá thì rễ và thân của cây chứa rất nhiều dược lý, nên bà con đừng bỏ qua những những phần này trên cây.
Công thức hỗn hợp của Thần dược từ 2 cây thảo dược:
- Bước 1: Xay nhuyễn 1kg lá và thân của Cây phèn đen + 1kg lá cây Cỏ Lào, cho 10L nước ngọt vào hỗn hợp và đun sôi để nguội, sau đó vắt lấy nước.
- Bước 2: Pha 8 lít nước thảo dược đã được vắt vào 2L cồn 70% (dùng để bảo quản hỗn hợp, không cần bỏ tủ lạnh)
- Bước 3: Sử dụng 1L nước thảo dược phun và trộn đều cho 30-100kg thức ăn cho tôm ăn.
Lưu ý: Hạn chế sử dụng trên Tôm giống (tôm post), vì khi liều lượng lớn thì cồn sẽ làm tôm bị xỉu/ngất tầm 30s, thì tôm sẽ trở lại trạng thái bình thường.
Sau khi sử dụng hỗn hợp thảo dược này điều trị cho tôm thì không chỉ điều trị dứt điểm bệnh phân trắng, mà còn tôm còn khoẻ mạnh, ăn lại bình thường. Bà con nên kết hợp với việc xử lý môi trường nuôi để gia tăng hiệu quả điều trị cho tôm.
3. Gừng
Gừng là một loài thảo dược quen thuộc thường xuyên được dùng để hỗ trợ tiêu hóa, giảm buồn nôn, phòng bệnh cúm và cảm lạnh thông thường.
Gừng đã được chứng minh có hiệu quả trong việc kiểm soát các bệnh do vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng trong nuôi trồng thủy sản nhờ tác dụng kháng khuẩn, chống oxy hóa, thúc đẩy tăng trưởng và kích thích miễn dịch đối với vật nuôi.
Các hợp chất phenolic trong gừng giúp làm giảm kích thích đường tiêu hóa (GI) do WFS gây ra, kích thích sản xuất mật, ức chế co bóp dạ dày khi thức ăn và chất lỏng di chuyển qua đường ruột ở tôm.
Đồng thời, gừng cũng có tác động đến các enzyme tiêu hóa của tôm và làm tăng khả năng hoạt động của hệ tiêu hóa. Điều này cho thấy gừng có thể giúp ngăn ngừa và kiểm soát tác động của WFS trong hệ thống tiêu hóa tôm.
Phương pháp sử dụng: 20g gừng nghiền nát được trộn với 50 ml chất kết dính thức ăn, sau đó trộn với 1 kg thức ăn. Để khô trong 30 phút ở nơi ít ánh sáng trước khi cho ăn.