Tôm "Chết Cục Thịt" – Bệnh Lý Hay Hiện Tượng?

catovina Tác giả catovina 25/04/2023 8 phút đọc

Trong quá trình nuôi, đặc biệt là vào thời điểm mưa lớn kéo dài, tôm nuôi vì nhiều nguyên nhân khác nhau có thể chết khi lột xác. Lúc này, vỏ tôm còn mềm hoặc chưa kịp hình thành, phần đầu và các phần phụ bộ (như râu, chân, đuôi) lại bị các con tôm khỏe rỉa ăn nên bà con hay gọi là tôm “chết cục thịt” hay “rớt cục thịt”.

1. Tôm “chết cục thịt” là gì?

Cũng như nhiều loài giáp xác khác, quá trình lột vỏ ở tôm thẻ chân trắng diễn ra thường xuyên và đóng vai trò rất quan trọng trong sự tăng trưởng của con tôm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà tôm có thể chết trong quá trình lột xác. Số tôm chết này thường còn tươi, lớp vỏ còn mềm hoặc chưa kịp hình thành, và bị tôm khỏe rỉa ăn trông gọn gẽ nên bà con thường gọi là tôm “chết cục thịt”.

Đây là hiện tượng thường xảy ra ở ao bạt và môi trường ao nuôi có độ mặn thấp (dưới 10‰); xuất hiện nhiều ở giai đoạn tôm thịt (khoảng sau 60 ngày nuôi đến gần thu hoạch) và có thể xảy ra sớm hơn ở các ao thả nuôi mật độ cao trên 300 con/m2.

2. Nguyên nhân tôm chết khi lột xác

Môi trường ao nuôi thiếu khoáng khiến tôm mất cân bằng áp suất thẩm thấu trong cơ thể có thể xem là nguyên nhân chủ yếu khiến tôm chết khi lột xác. Đặc biệt là ở các ao có độ mặn thấp và thả nuôi với mật độ quá dày, vấn đề thiếu hụt khoáng sẽ ngày càng nghiêm trọng theo thời gian, nhất là thiếu hụt các ion khoáng chính như:

  • Na+: tôm hấp thụ Na+ thông qua quá trình bơm trao đổi Na+/NH4+ để duy trì độ thẩm thấu trong máu. Việc thiếu hụt Na+ sẽ ảnh hưởng đến quá trình bài tiết NH4+ và gây chết ở tôm. 
  • K+: là cation nội bào cần thiết cho hoạt động điều hòa các ion, cân bằng axit-bazo và các quá trình chuyển hóa cơ bản. Sự mất cân bằng giữa nồng độ K+ và Na+ trong máu là một trong các nguyễn nhân gây chết ở tôm.
  • Mg2+: là nhân tố quan trọng trong hoạt động của enzyme Na+/ K+ ATPase giúp tôm điều hòa áp suất thẩm thấu và điều hòa ion để thích nghi trong môi trường độ mặn thấp. Thiếu hụt Mg2+ thì enzyme này sẽ không thủy phân ATP và gây chết ở tôm.

[Hình 2] - Tôm _Chết Cục Thịt_ – Bênh Lý Hay Hiện Tượng

Bên cạnh nguyên nhân chính là thiếu hụt ion khoáng, còn nhiều nguyên nhân khác góp phần gia tăng tốc độ và số lượng tôm chết khi lột xác như:

  • Trong ao xuất hiện khí độc NO2, NH3;
  • Hàm lượng oxy hòa tan giảm đột ngột;
  • Mật độ nuôi dày khiến tôm thiếu dinh dưỡng, suy yếu hệ miễn dịch;
  • Môi trường ao nuôi biến động do thời tiết.

3. Phòng ngừa tôm chết cục thịt

Như đã trình bày bên trên, tôm “chết cục thịt” chỉ là cách gọi cho hiện tượng tôm rớt đáy khi lột xác chứ không phải một bệnh lý chuyên môn. Thế nên, để phòng ngừa hiện tượng này, bà con cần quản lý tốt môi trường ao nuôi để hạn chế các vấn đề ảnh hưởng đến quá trình lột xác của tôm nuôi, cụ thể như:

  • Thả nuôi với mật độ hợp lý tùy mô hình, điều kiện quản lý;
  • Không cho ăn dư thừa để tránh sinh khí độc NO2, NH3;
  • Định kỳ xi-phông loại bỏ chất thải ra khỏi ao nuôi, kết hợp sử dụng vi sinh bón cho ao nuôi để xử lý nước và hạn chế sự gia tăng của các vi khuẩn gây bệnh;
  • Thường xuyên kiểm tra để điều chỉnh kịp thời các chỉ tiêu chất lượng nước như: độ pH, độ kiềm, hàm lượng oxy hòa tan… đặc biệt là trong những ngày mưa kéo lớn kéo dài.

[Hình 3] - Tôm _Chết Cục Thịt_ – Bênh Lý Hay Hiện Tượng

Quan trọng nhất, phải định kỳ sử dụng chế phẩm cung cấp khoáng đa vi lượng thiết yếu giúp ổn định môi trường nước, đồng thời phòng và trị các bệnh do thiếu khoáng trên tôm. Đặc biệt với các ao thả nuôi mật độ quá cao trong điều kiện độ mặn thấp, cần kết hợp bổ sung khoáng trực tiếp vào nước bằng khoáng tạt với bổ sung khoáng vào thức ăn để hỗ trợ tối ưu nhất cho quá trình lột xác của tôm.

catovina
Tác giả catovina Admin
Bài viết trước Lược Sử Ngành Nuôi Tôm

Lược Sử Ngành Nuôi Tôm

Bài viết tiếp theo

Nhận Biết Tôm Thiếu hoặc Đủ Mồi: Dấu Hiệu và Biện Pháp Điều Chỉnh

Nhận Biết Tôm Thiếu hoặc Đủ Mồi: Dấu Hiệu và Biện Pháp Điều Chỉnh
Viết bình luận
Thêm bình luận

Bài viết liên quan

Thông báo