Lược Sử Ngành Nuôi Tôm
Dù còn khá non trẻ, ngành nuôi tôm trong vài thập niên gần đây đã nhanh chóng phát triển nhờ áp dụng những tiến bộ từ các lĩnh vực khoa học, đặc biệt là công nghệ di truyền và công nghệ vi sinh. Tại thời điểm 2017, nuôi tôm đã là một ngành công nghiệp toàn cầu đạt sản lượng 4,2 triệu tấn với tổng giá trị sản xuất khoảng 23,5 tỷ USD; trong đó, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam lần lượt là 3 nước dẫn đầu về diện tích nuôi tôm và sản lượng.
Ao nuôi tôm tại Việt Nam
Nuôi tôm ở hình thức sớm nhất đã xuất hiện ở châu Á từ nhiều thế kỷ trước, nơi tôm di cư vào các bãi triều để tìm thức ăn và sinh sản, tạo ra các vụ tôm ngẫu nhiên đạt 100-200kg/ha mỗi năm mà không cần làm gì nhiều ngoài việc đặt bẫy/thu hoạch.
Tuy nhiên, để thực sự trở thành một ngành chăn nuôi hiện đại thì phải đến những năm 1930, con tôm mới được Motosaku Fujinaga, một nhà khoa học tại Nhật Bản, bắt đầu nghiên cứu và chăn nuôi thử nghiệm. Rồi phải mất thêm 4 thập niên nữa, khi phương pháp của Fujinaga được truyền bá qua Hoa Kỳ và Đài Loan, nơi có khí hậu thuận lợi hơn và giống phù hợp hơn, con tôm mới được nuôi thương phẩm và dần được thị trường chấp nhận.
Bước sang thập niên 1980, ngành nuôi tôm chính thức đi vào giai đoạn phát triển và dựa vào đặc điểm nguồn giống, ta có thể chia làm 3 giai đoạn rõ ràng như sau: Thời kỳ bắt giống, Thời kỳ ương giống và Thời kỳ nhân giống.
1982 – 1987: Thời kỳ bắt giống
Đây là giai đoạn vàng khởi nghiệp của ngành tôm trên thế giới. Thị trường đã chấp nhận và có nhu cầu tăng cao với tôm nuôi thương phẩm dẫn đến sự nở rộ các trang trại nuôi tôm, đặc biệt là tại Đài Loan và Ecuador. Do mật độ nuôi chưa cao nên dịch bệnh cũng hạn chế, người nuôi tôm ít gặp rủi ro và có lời để tái đầu tư mở rộng, thúc đẩy sản lượng tôm tăng hơn 100% mỗi năm trong giai đoạn này.
Ở châu Á, các trang trại chủ yếu nuôi tôm sú (P. monodon), trong khi tôm thẻ chân trắng (P. vannamei) lại được các nước châu Mỹ lựa chọn. Nguồn giống cho giai đoạn này hầu hết là tôm hậu ấu trùng thu gom từ tự nhiên với phương pháp nuôi ao đơn giản.
1988 – 1996: Thời kỳ ương giống
Với sản lượng gấp 5 lần châu Mỹ, con tôm sú của châu Á là loài thống trị trong giai đoạn này. Tuy nhiên, với sự bùng nổ của ngành nuôi tôm cũng như xu hướng tăng mật độ thả để tăng lợi nhuận, nguồn giống thu gom tự nhiên bắt đầu đến điểm tới hạn và ảnh hưởng tới tỷ lệ tăng trưởng toàn ngành trong giai đoạn này.
Để giải quyết vấn đề nguồn giống, các trại ương giống bắt đầu được đầu tư phát triển với nguồn tôm bố mẹ thu gom từ tự nhiên. Điều này, về lâu dài lại mang đến tác động tiêu cực vì các trại giống không kiểm soát được mầm bệnh từ tôm bố mẹ, dẫn đến nguy cơ dịch bệnh lây lan qua nguồn tôm giống. Dịch đốm trắng lan rộng toàn cầu hồi đầu thập niên 1990 là một ví dụ cụ thể.
Với trở ngại lớn từ dịch bệnh cũng như sự hạn chế nguồn giống, tỷ lệ tăng trưởng ngành tôm trong giai đoạn này nhanh chóng sụt giảm, chỉ còn 2% mỗi năm.
1997 – 2007: Giai đoạn nhân giống
Giai đoạn này chứng kiến sự lên ngôi của tôm thẻ chân trắng. Nếu vào năm 1998, sản lượng tôm thẻ chân trắng chỉ chiếm 10% tổng sản lượng tôm toàn cầu, thì đến năm 2006, con số này đã là 75%. Nguyên nhân của sự đổi ngôi này đến từ nguồn giống sạch bệnh (SPF) được Hoa Kỳ phát triển đầu những năm 1990 để đối phó với dịch đốm trắng. Kéo theo đó là sự gia hóa ngày càng tăng đối với tôm thẻ chân trắng, đặc biệt là từ 1997 khi công ty High Health Aquaculture của Hoa Kỳ khởi xướng chương trình nhân giống để phát triển nguồn giống kháng hội chứng Taura (TVS), đồng thời tăng trưởng nhanh.
Tôm thẻ chân trắng
Với sự phát triển của các chương trình nhân giống, chọn lọc di truyền, ngành nuôi tôm toàn cầu dần chủ động được nguồn giống, cả về số lượng lẫn khả năng kháng bệnh. Hơn thế nữa, nguồn giống chọn lọc còn cải thiện tốc độ tăng trưởng của tôm qua mỗi thế hệ, rút ngắn giai đoạn nuôi thương phẩm, theo đó cắt giảm chi phí cho người nuôi tôm. Kết hợp với việc áp dụng các phương pháp canh tác an toàn và hiện đại, điều này đã phục hồi đà tăng trưởng, giúp ngành nuôi tôm đạt tốc độ tăng trưởng hơn 20% mỗi năm trong suốt 10 năm của giai đoạn này.
Giai đoạn | Sản lượng hàng năm(x1000 tấn) | Sản lượng tăng | Tỷ lệ tăng trưởng (%/năm) | |
Đầu giai đoạn | Cuối giai đoạn | |||
1982-1987 | 84 | 604 | 520 | 103% |
1988-1996 | 604 | 693 | 89 | 2% |
1997-2007 | 693 | 2000 | 1307 | 21% |
Sản lượng tôm toàn cầu qua 3 giai đoạn phát triển
Bước sang thế kỷ 21, bất kể những thất bại lớn trước đó do dịch bệnh, ngành tôm toàn cầu vẫn trên đà tăng trưởng mạnh với việc tận dụng những tiến bộ từ các lĩnh vực khác. Công nghệ di truyền giúp chủ động và cải thiện nguồn giống, đồng thời dễ dàng phát hiện sớm các bệnh do virus. Việc cho ăn và chăm sóc sức khỏe đàn tôm cũng hưởng lợi đáng kể từ những khám phá trong công nghệ vi sinh. Ngoài ra, còn phải kể đến những đổi mới của công nghệ thông tin đã được áp dụng vào quy trình quản lý cũng như chuỗi cung ứng hậu cần của ngành. Sản lượng tôm toàn cầu qua 3 giai đoạn phát triển
Đến thời điểm hiện tại, tôm thẻ chân trắng hiện vẫn là loài thống trị ngành tôm, tuy nhiên chính sự thành công về mặt sản lượng của nó cũng dẫn đến tình trạng cung vượt cầu và làm giảm giá tôm kích cỡ vừa và nhỏ trên thị trường. Điều này cũng hướng sự quan tâm của ngành quay lại con tôm sú, với các dự định gia hóa và nhân giống như đã làm được với tôm thẻ chân trắng. Tương lai không ai nói trước được, nhưng dù là tôm thẻ chân trắng, tôm sú hay một loài tôm nào khác, việc sử dụng con giống chất lượng thông qua quá trình nhân giống chọn lọc để có năng suất cao, sạch bệnh vẫn là yếu tố theo chốt giúp người nuôi tôm hạn chế rủi ro và giảm chi phí để sinh lời.