Quản Lý pH Trong Ao Nuôi - Tối Ưu Môi Trường Sống Cho Tôm Tăng Trưởng

catovina Tác giả catovina 25/04/2023 13 phút đọc

Độ pH của nước là một trong những thông số hóa học quan trọng nhất đối với nuôi tôm. Tuy nhiên, nó cũng là một thông số có xu hướng thay đổi nhanh chóng theo chu kỳ thường nhật thông qua các phản ứng sinh-hóa của môi trường. Vậy nên hiểu rõ nguyên nhân và cách thức pH tăng/giảm là một kiến thức thiết yếu để bà con có thể quản lý tốt ao nuôi, qua đó tối ưu hóa môi trường sống cho con tôm tăng trưởng.

[Quản lý pH trong ao nuôi] H1_ Độ pH của nước là một yếu tố quan trọng trong nuôi tôm

pH là chỉ số đo độ hoạt động (hoạt độ) hay nồng độ của các ion hydro (H+) có trong dung dịch và vì vậy là độ axit hay bazơ của nước. Giá trị pH thường nằm trong khoảng từ 0 đến 14: với giá trị pH bằng 7 chỉ môi trường nước trung tính; giá trị pH thấp hơn 7 chỉ ra rằng độ a-xít đã tăng lên và giá trị pH cao hơn 7 chỉ ra rằng độ kiềm đã tăng lên. 

1. Độ pH Thích Hợp Cho Tôm 

Với ao nuôi tôm, pH tối ưu nhất nên được duy trì ở mức 7,5 – 8,5 và dao động trong ngày không được quá 0,5. Nếu pH quá thấp sẽ làm tăng nồng độ khí độc H2S, đồng thời làm giảm khả năng tích trữ khoáng, khiến tôm bị mềm vỏ. Nếu pH quá cao, nó sẽ làm tăng độc tính của các chất khác (như amoniac ở độ pH bằng 8 sẽ có độc tính cao gấp 10 lần so với độ pH bằng 7), kết hợp với các điều kiện cụ thể sẽ khiến tôm bị ngộ độc. Tôm sinh trưởng thời gian dài trong môi trường nước có pH thấp hoặc cao vượt ngưỡng thường sẽ chậm lớn, còi cọc và dễ mắc bệnh. Ngoài ra, nếu pH dao động mạnh trong thời gian ngắn cũng khiến tôm bị sốc, suy yếu, bỏ ăn và có thể chết.

Tôm thẻ chân trắng nói riêng, và các loài thủy sản nói chung, sẽ chết nhanh chóng nếu độ pH nhỏ hơn 4 hoặc lớn hơn 11.

pH Ảnh Hưởng
4 Điểm gây chết vì tính a-xít
4-5 Không sinh sản
5-6 Tăng trưởng chậm
6-9 Tăng trưởng tốt
9-11 Tăng trưởng chậm
11 Điểm gây chết vì tính kiềm
Bảng 1. Mức độ pH và ảnh hưởng đối với các loài thủy sản nói chung

2. Dao Động pH - Một Hiện Tượng Tự Nhiên Trong Ao Nuôi

Nước ở điều kiện tự nhiên có độ pH phụ thuộc vào thành phần hóa học có trong nó và thường ở mức 5 khi không có độ kiềm hoặc 8 và cao hơn khi độ kiềm từ 100mg/l trở lên.

Loại Nước pH
Nước tiếp xúc với đất có hàm lượng a-xít sunfat cao 2 – 5
Nước từ khu vực rừng rậm có nồng độ a-xít hữu cơ cao 4 – 6
Nước ở khu vực ẩm ướt, có đất bị rửa trôi nhiều 5,5 – 7
Nước ở khu vực ẩm ướt, có đá vôi 7 – 8
Nước ở khu vực khô hạn 8 – 9,5
Nước biển 7,9 – 8,2
Bảng 2. Độ pH phổ biến ở các nguồn nước tự nhiên

Tuy nhiên, để xây dựng hệ sinh thái ao nuôi, thực vật phù du và các vi sinh vật khác cần được tạo điều kiện để phát triển trong môi trường nước. Điều này lại dẫn đến tốc độ quang hợp cao vào ban ngày, cùng với rất nhiều hô hấp diễn ra mọi lúc. Cả 2 quá trình này đều tác động đến lượng CO2 (một chất có tính axit) trong nước, tạo ra sự dao động pH trong ao nuôi theo chu kỳ ngày đêm.

Ở các ao có độ kiềm thấp (0-40 mg/l): 

  • pH thường ở mức 6-7 vào lúc sáng sớm (nồng độ CO2 cao nhất);
  • Bắt đầu tăng dần khi ánh sáng mặt trời kích hoạt quá trình quang hợp;
  • Đạt mức cao nhất khoảng 9-10 vào buổi chiều (nồng độ CO2 thấp nhất); 
  • Rồi giảm dần khi thực vật phù du ngừng quang hợp. 

Biên độ dao động pH này ở các ao có độ kiềm tự nhiên cao hoặc đã được bón vôi là 7-8 vào sáng sớm và 8-9,5 vào buổi chiều.

[Quản lý pH trong ao nuôi] H2_ pH tối ưu cho tôm nên ở mức 7,5 - 8,5

Với ao nuôi được gây màu nước và quản lý tốt (thực vật phù du và vi sinh vật phát triển ở mức hợp lý), dao động pH nêu trên là một hiện tượng tự nhiên diễn ra thường ngày và không gây hại cho tôm. Tuy nhiên, bà con có thể giảm biên độ dao động giữa pH tối thiểu (sáng sớm) và pH tối đa (buổi chiều) thông qua việc kiểm soát sinh khối thực vật phù du, bón vôi cho các ao có độ kiềm thấp và bổ sung canxi hòa tan (như thạch cao) cho các ao có độ kiềm trung bình-cao nhưng nồng độ canxi thấp để tối ưu hóa pH môi trường nước cho tôm.

3. Cách Tăng – Giảm pH Ao Nuôi

Trong quá trình nuôi, độ pH của nước có thể tăng quá cao hoặc giảm quá thấp do nhiều nguyên nhân khác nhau như:

  • Thực vật phù du phát triển quá mức hoặc suy giảm đột ngột, làm ảnh hưởng nồng độ C02 trong nước;
  • Mưa nhiều, kéo dài làm tăng tính axit nước ao hoặc rửa trôi phèn xuống ao;
  • Hàm lượng kim loại nặng tăng cao;
  • Phản ứng nitrat hóa từ quá trình phân hủy chất thải hữu cơ làm tổng độ kiềm tăng giảm thất thường.

Cần xác định rõ nguyên nhân làm biến động pH để có hướng xử lý từ gốc để duy trì ổn định pH ao nuôi. Tuy nhiên, trong trường hợp cần điều chỉnh nhanh để cứu tôm, bà con có thể tạm thời tăng/hạ pH của nước bằng cách sau:

3.1. Tăng pH

Để tăng pH nhanh, bà con dùng 50-100 kg vôi tôi, hòa tan thật loãng vào nước rồi tạt xuống ao khi trời mát, chiều tối hoặc trời mưa. Đợi ít nhất 2 tiếng sau khi tạt, kiểm tra lại pH và tăng liều lượng nếu cần thiết.

3.2. Hạ pH

Phương pháp hạ pH hiệu quả và thân thiện với môi trường nhất là dùng đường cát hoặc mật rỉ đường, với liều lượng 0,3 kg/1000m3, tạt đều khắp ao. Ngoài ra, có thể sử dụng phèn nhôm theo liều lượng hướng dẫn từ nhà sản xuất để giảm độ pH của nước, kết hợp bổ sung thạch cao để cân bằng độ cứng và độ kiềm, hạn chế biến động pH đột ngột. Axit citric, giấm, nước cốt chanh cũng là những hợp chất mang tính axit giúp hạ pH, tuy nhiên nên hạn chế sử dụng vì có quá nhiều rủi ro từ tác dụng phụ.

Các phương pháp hạ pH này sẽ làm tăng nồng độ CO2, nên bà con cũng cần chạy quạt nước với công suất tối đa 24/24 để đảm bảo cung cấp đủ oxy cho ao nuôi.

4. Quản Lý Tốt pH Cho Vụ Nuôi Thành Công

Có thể nói, việc kiểm soát hoàn toàn pH ao nuôi là một việc không hề dễ dàng vì có quá nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan tác động đến độ pH. Tuy nhiên, bà con vẫn có thể duy trì thông số quan trọng này trong ngưỡng tối ưu nếu làm tốt ngay từ khâu chuẩn bị ao và lọc lắng nước.

Việc sử dụng các chế phẩm sinh học này sẽ duy trì chất lượng nước, đáy ao đồng thời kiểm soát sự phát triển của động-thực vật phù du, qua đó giảm thiểu sự biến động pH trong ao nuôi.[Quản lý pH trong ao nuôi] H3_ Quản lý tốt pH nước để đảm bảo vụ nuôi thành công

Quan trọng nhất là bà con cần chủ động kiểm tra độ pH thường xuyên, tối thiểu 2 lần/ngày (vào lúc sáng sớm và chiều muộn), để sớm phát hiện và xử lý kịp thời nếu xảy ra biến động. Quản lý tốt pH cũng như các thông số chất lượng nước khác sẽ giúp duy trì môi trường sinh trưởng tối ưu cho tôm và đảm bảo cho bà con một vụ nuôi thành công.

catovina
Tác giả catovina Admin
Bài viết trước Những enzyme nào dùng cho nuôi trồng thủy sản?

Những enzyme nào dùng cho nuôi trồng thủy sản?

Bài viết tiếp theo

Quản Lý Ao Tôm Nước Lợ Trong Mùa Mưa

Quản Lý Ao Tôm Nước Lợ Trong Mùa Mưa
Viết bình luận
Thêm bình luận
Popup image default

Bài viết liên quan

Thông báo